Ngày 6/12, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã xem xét đề xuất mới nhất về mức giá trần khí đốt thấp hơn, ở mức 220 euro (231 USD).
Mức giá trên được đưa ra trong bối cảnh một tuần nữa là đến cuộc họp của các Bộ trưởng năng lượng được kỳ vọng giải quyết vấn đề mức giá trần giá khí đốt đang gây chia rẽ các nước.
Đa số các nước thành viên EU cho rằng đề xuất áp giá trần mà Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra như một “trò đùa”, không hiệu quả và không thực tế.
Đức - nền kinh tế lớn nhất EU đã phản đối ý tưởng về bất kỳ mức giá trần nào, cho rằng việc này có thể gây khó hơn cho việc bảo đảm nguồn cung.
Trong khi đó, Bỉ, Italy và Ba Lan coi việc áp giá trần là cách để bảo vệ người tiêu dùng và nền kinh tế các nước này trước giá năng lượng quá cao.
Theo đề xuất được CH Séc, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên EU mới đưa ra, mức giá trần sẽ được áp dụng nếu giá khí đốt vượt quá 220 euro mỗi megawatt giờ (MWh). Đề xuất mới của Séc thấp hơn so với mức giá trần 275 euro/MWh mà Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất ngày 22/11.
Một số nhà ngoại giao EU cho rằng các nước thành viên vẫn không thay đổi quan điểm của mình và sẽ cần tiến hành cuộc họp khác vào ngày 19/12 sau cuộc họp cấp Bộ trưởng năng lượng EU ngày 13/12.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát biểu, việc áp giá trần đối với khí đốt Nga là hành động “trái với các nguyên tắc của quan hệ thị trường và rất có nguy cơ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường năng lượng toàn cầu”.