Công ty chủ quản của mạng xã hội Facebook đã đưa ra chính sách mới nhằm siết chặt các quy định về tính năng livestream trước thềm cuộc họp của các nhà lãnh thế giới nhằm tìm kiếm giải pháp hạn chế bạo lực trên mạng sau vụ thảm sát tại nhà thờ Christchurch, New Zealand vào tháng 3/2019 khiến 51 người thiệt mạng.
Thông báo của Facebook nêu rõ, chỉ cần người dùng vi phạm một lần các nguyên tắc của mạng xã hội thôi, họ sẽ bị cấm sử dụng ngay tính năng livestream của Facebook trong một khoảng thời gian định sẵn.
Chính sách này cũng mở rộng những diện vi phạm để căn cứ vào đó Facebook áp dụng chính sách "một lần" nói trên.
Mặc dù, Facebook không nêu cụ thể các hành vi vi phạm chính sách nói trên, song người phát ngôn của công ty cho biết chắc chắc các quy định này sẽ không thể bỏ sót những đối tượng như kẻ xả súng tại New Zealand.
Tính năng livestream sẽ được thắt chặt quản lý trên mạng xã hội Facebook (Ảnh: AsiaOne)
Trước đây, các nội dung vi phạm điều khoản sử dụng của Facebook thường bị các nhân viên của Facebook loại bỏ và những người thường xuyên vi phạm sẽ bị khóa tài khoản trong một thời gian. Trong một số trường hợp cực đoan, người dùng có thể bị cấm hoạt động vĩnh viễn.
Tuy nhiên, với chính sách không cho cơ hội thứ hai với những người mắc sai phạm trong khi sử dụng tính năng livestream, Facebook tỏ rõ quyết tâm quản lý chặt hơn.
Facebook đưa ra thông báo trên trong bối cảnh Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ đồng chủ trì một cuộc họp tại Paris kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới, người đứng đầu các công ty công nghệ ký tên vào một thỏa thuận có tên "Christchurch Call" (Lời kêu gọi Christchurch) cam kết loại bỏ các nội dung bạo lực cực đoan trên mạng.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết: quyết định của Facebook về việc thực thi giới hạn đối với tính năng livestream là khởi đầu tốt cho việc thắt chặt quản lý các ứng dụng bị lợi dụng như một công cụ cho phe nhóm khủng bố. Điều này cũng cho thấy "Lời kêu gọi Christchurch đã bắt đầu có hiệu lực.
Dự kiến, đại diện của Facebook, Google của Alphabet Inc. và các công ty công nghệ khác cũng sẽ tham gia cuộc họp này.