Bên cạnh đó, G7 phản đối sự hỗ trợ của Triều Tiên dành cho Nga, nói rằng sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh châu Âu lẫn Ấn Độ - Thái Bình Dương. Các bộ trưởng kêu gọi Trung Quốc, dùng ảnh hưởng để tác động tới Triều Tiên.
Tuyên bố chung của nhóm có đoạn được Nikkei Asia đăng tải: “Việc Nga sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung ngày 21/11 là bằng chứng nữa cho thấy sự leo thang. Sự ủng hộ của chúng tôi với Ukraine không lay chuyển.”
Theo một số nguồn tin, thời gian gần đây Nga có nhiều bước tiến tại miền Đông Ukraine, đạt thành tựu lớn nhất từ năm 2022. Họ kiểm soát thêm hàng trăm km vuông, cũng như đã áp sát thành phố chiến lược Pokrovsk. Đây là trung tâm hậu cần và đầu mối giao thông quan trọng của Ukraine.
Để tăng sức ép với Nga, các bộ trưởng G7 nói thêm rằng, họ hy vọng sẽ bắt đầu chuyển tiền có nguồn gốc từ tài sản bị đóng băng của Nga cho Ukraine vào cuối năm nay. Ngoài ra, G7 cũng cam kết chống lại những tổ chức giúp đỡ Nga né lệnh trừng phạt.
Cuộc họp ngoại trưởng G7 năm nay tổ chức tại Fiuggi – một thị trấn yên tĩnh nằm gần thủ đô Rome của Ý. Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha cũng có mặt.
Ngoài vấn đề Ukraine, G7 đã cố gắng gây sức ép buộc Israel chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn với Hezbollah, khẳng định giờ là lúc xung đột kết thúc thông qua giải pháp ngoại giao. Các ngoại trưởng kêu gọi Israel hỗ trợ nhân đạo cho dân thường ở Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem.
Về vấn đề dư thừa năng lực sản xuất hàng hóa của Trung Quốc, G7 kêu gọi đất nước tỷ dân tuân thủ nguyên tắc thương mại bình đẳng và kìm chế việc xuất khẩu làm méo mó thị trường.