Theo thông báo từ Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS), những người nhập cư thuộc diện gia hạn bao gồm 600.000 người Venezuela, 232.000 người El Salvador, 103.700 người Ukraine và 1.900 người Sudan.
Quy chế Tình trạng được Bảo trợ Tạm thời (TPS) vốn được thiết kế để bảo vệ người nhập cư không thể trở về nước vì chiến tranh, thảm họa thiên nhiên hoặc các tình huống đặc biệt; đồng thời cũng cho phép họ được hoãn trục xuất và cấp giấy phép lao động trong thời gian lưu trú.
Chính quyền Biden đã viện dẫn những lý do khác nhau cho quyết định này. Với người nhập cư Venezuela, Mỹ nêu bật tình trạng khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng do bất ổn chính trị và kinh tế dưới thời Tổng thống Nicolas Maduro.
Tương tự, các lý do liên quan đến chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine, xung đột vũ trang tại Sudan và tác động của thiên tai tại El Salvador đã được sử dụng để giải thích cho việc gia hạn TPS.
Trước đó vào nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ đầu tiên của ông Donald Trump, ông từng tuyên bố kế hoạch trục xuất hàng loạt người nhập cư và chấm dứt chương trình TPS, song đã bị tòa án ngăn cản.
Động thái gia hạn của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden được cho là nhằm đảm bảo sự ổn định cho hàng trăm ngàn người trước khi ông Trump chính thức tiếp quản quyền lực vào ngày 20/1 tới.
Mặc dù động thái của chính quyền Biden nhận được sự ủng hộ từ nhiều nhà hoạt động, một số ý kiến vẫn kêu gọi cần mở rộng TPS cho người nhập cư mới từ các quốc gia khác, như Nicaragua.
Ông Todd Schulte, chủ tịch nhóm vận động FWD.us, cho rằng việc gia hạn TPS sẽ giúp những người nhập cư tiếp tục "đóng góp cho cộng đồng và củng cố nền kinh tế", đồng thời thúc giục mở rộng chương trình này.
Theo Reuters, trong số gần 1 triệu người được gia hạn ở lại Mỹ hợp pháp lần này thì số người Venezuela chiếm số lượng lớn nhất với 600.000 người,
Đây cũng không phải lần đầu tiên chính quyền Biden cấp quy chế này cho nhóm người nhập cư Venezuela. Từ năm 2021, chính quyền đã cấp TPS cho công dân Venezuela, viện dẫn tình trạng bất ổn kinh tế và mức độ tội phạm cao dưới thời Tổng thống Maduro.