Cụ thể, có 28 dư chấn có độ lớn từ 3,0-3,9 độ richter và 3 dư chấn có độ lớn từ 4,0-4,9 độ richter. Dư chấn lớn nhất nằm cách tâm chấn chính khoảng 18 km.
Thống kê cho thấy, có khoảng 126 người thiệt mạng và 188 người bị thương sau khi trận động đất xảy ra ở một vùng xa xôi của Tây Tạng (Trung Quốc) vào sáng 7/1. Dư chấn được cảm nhận trên khắp dãy Himalaya ở các nước láng giềng Nepal, Bhutan và một số vùng phía bắc Ấn Độ.
Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), hơn 3.600 ngôi nhà đã bị hư hại.
Trận động đất mạnh 7,1 độ xảy ra lúc 9 giờ 5 phút sáng (giờ địa phương) ở độ sâu 10 km và sau đó là nhiều dư chấn, theo Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) – theo CNN.
Năng lượng giải phóng từ chuyển động kiến tạo đã làm đổ nhà cửa ở những ngôi làng xa xôi trên dãy Himalaya, làm rung chuyển một thành phố linh thiêng của Tây Tạng gần đó và làm ‘kinh động’ cả những du khách leo núi Everest.
Trung tâm Mạng lưới động đất Trung Quốc (CENC) đã tiến hành cuộc họp với sự tham gia của giới chuyên gia để đánh giá, nghiên cứu và phân tích về trận động đất.
Theo các chuyên gia, sau khi một trận động đất lớn xảy ra, có thể cảm nhận được các dư chấn ở khu vực nguồn và các khu vực lân cận.
Các dư chấn suy yếu dần về cường độ và tần suất theo thời gian, đồng thời sẽ có những biến động trong quá trình suy yếu. Vì vậy, vẫn có khả năng xảy ra động đất ở khu vực động đất ban đầu và các khu vực lân cận trong những ngày sắp tới.
Đặc điểm chung của dư chấn là cường độ của chúng thường tỷ lệ thuận với quy mô của trận động đất chính. Điều này có nghĩa là nếu trận động đất chính xảy ra ban đầu càng lớn, thì dư chấn sẽ càng mạnh và xảy ra thường xuyên hơn.
Sau đó, hoạt động dư chấn sẽ tăng dần theo thời gian và giảm dần về cường độ và tần suất. Tuy nhiên, thời gian xảy ra dư chấn có thể khác nhau ở mỗi khu vực, có thể kéo dài vài tháng, thậm chí hơn 10 năm.
Hiện Trung Quốc đã huy động hơn 12.000 thành viên các lực lượng cứu hộ khẩn cấp, cứu hỏa, chữa cháy rừng, công an, quân đội và lực lượng cứu hộ khẩn cấp… tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn và cứu hộ.
Tại Tây Tạng, các nỗ lực cứu hộ đã giải cứu được hơn 400 người bị mắc kẹt trong đống đổ nát. Hơn 30.000 cư dân đã được di dời khi lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm kiếm những người sống sót.