Chờ...

Hạ viện Anh bỏ phiếu thông qua dự luật trợ tử

VOH - Hạ viện Anh đã bỏ phiếu thông qua dự luật trợ tử với 330 phiếu thuận và 275 phiếu chống, đánh dấu bước ngoặt lớn trong việc hợp pháp hóa trợ tử tại quốc gia này.

Đối tượng của dự luật là người trưởng thành mắc bệnh nan y, áp dụng tại Anh và xứ Wales. Dự luật cho phép những người mắc bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối được quyền lựa chọn kết thúc cuộc sống của mình.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau nhiều giờ tranh luận hôm 29/11. Theo CNN, đây là một vấn đề hiếm hoi mà các nghị sĩ phải tự đưa ra quyết định cá nhân, khiến nhiều người cảm thấy khó khăn trong việc chọn lập trường.

Những người ủng hộ lập luận rằng dự luật sẽ giúp các bệnh nhân giai đoạn cuối được ra đi nhẹ nhàng hơn, giảm thiểu đau đớn. Ngược lại, các nhà phê bình bày tỏ lo ngại về khả năng bệnh nhân có thể bị áp lực phải lựa chọn trợ tử, trong khi hệ thống y tế hiện tại chưa sẵn sàng cho sự thay đổi này, theo AFP.

2024-10-16t154853z-613974164-rc2olaazzld5-rtrmadp-3-britain-assisted-dying-copy_jpg
Các nghị sĩ Hạ viện Anh tiến hành bỏ phiếu thông qua dự luật trợ tử - Ảnh: REUTERS

Dự luật quy định rằng chỉ những bệnh nhân giai đoạn cuối, với thời gian sống còn lại dưới 6 tháng và đủ năng lực quyết định, mới được phép sử dụng chất trợ tử. Quá trình này cần sự chấp thuận từ hai bác sĩ và một thẩm phán Tòa án Tối cao.

Sau cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện - vốn được xem là rào cản lớn nhất, dự luật vẫn cần phải được Thượng viện và Ủy ban Quốc hội xem xét trước khi chính thức trở thành luật. quá trình này dự kiến kéo dài khoảng 2 năm.

29uk-dying-01sub-gjcq-superjum-6877-1166-1732942231_jpg
Người dân ở London biểu tình ủng hộ quyền trợ tử - Ảnh: Carl Court

Nếu được thông qua hoàn toàn, Anh sẽ gia nhập nhóm nhỏ các quốc gia cho phép trợ tử, bao gồm Canada, New Zealand, Tây Ban Nha, và một số bang ở Mỹ như Oregon, Washington và California.

Dự luật của Anh dựa trên mô hình tại bang Oregon (Mỹ), vốn có những hạn chế rõ ràng hơn so với các quốc gia như Thụy Sĩ, Hà Lan và Canada, nơi không chỉ trợ tử mà cả an tử đều được phép trong trường hợp người bệnh phải chịu đựng đau đớn không thể chịu nổi, không giới hạn ở bệnh nhân giai đoạn cuối.

Nếu trở thành luật, Anh sẽ bước vào danh sách các quốc gia tiên phong trong việc trao quyền lựa chọn kết thúc cuộc đời cho bệnh nhân, đồng thời mở ra các cuộc thảo luận sâu rộng về vấn đề đạo đức, pháp lý và xã hội liên quan đến trợ tử.