Reuters dẫn nguồn tin từ một quan chức cảnh sát Hàn Quốc cho biết vụ khám xét tại trụ sở của Tập đoàn Công nghiệp hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KAI) được tiến hành vì nghi có liên quan đến việc hai kỹ sư quốc tịch Indonesia bị cáo buộc làm rò rỉ thông tin công nghệ của dự án máy bay chiến đấu của Hàn Quốc.
Hai kỹ sư này bị cáo buộc vi phạm Chương trình Mua sắm Quốc phòng của Hàn Quốc (DAPA) liên quan đến mẫu tiêm kích KF-21. Đây là dòng máy bay chiến đấu do Hàn Quốc sản xuất với sự hỗ trợ một phần từ Indonesia.
Vụ đột kích khám xét văn phòng của KAI bắt đầu từ ngày 14/3 và hiện đang tiếp tục sang ngày thứ hai, theo một quan chức thuộc phòng điều tra an ninh tỉnh Gyeongnam.
Người phát ngôn của KAI cho biết tập đoàn đã "chủ động hợp tác" và bảo đảm cung cấp đủ thông tin cần thiết phục vụ công tác điều tra của cảnh sát, nhằm mục đích tìm hiểu ra ngọn ngành vụ việc.
Dòng máy bay chiến đấu KF-21 do KAI phát triển, được thiết kế để trở thành phiên bản với chi phí sản xuất thấp hơn và có một số điểm khác biệt so với tiêm kích F-35 của Mỹ mà Hàn Quốc đang sử dụng.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia từng trả lời với báo giới rằng chính phủ nước này đang thu thập các bằng chứng và thông tin liên quan đến cáo buộc đối với hai kỹ sư Indonesia nói trên.
Dự án KF-21 là dự án mang tính chiến lược đối với cả Hàn Quốc và Indonesia, và hai nước sẽ cùng giải quyết mọi vấn đề phát sinh trên tinh thần hợp tác, đại diện Bộ Ngoại giao Indonesia nói thêm.
Năm 2022, Hàn Quốc và Indonesia đã giải quyết các bất đồng liên quan đến một dự án phát triển máy bay chiến đấu trước đó và tuyên bố tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng, theo Reuters.
Từ trước đến nay luôn có nhiều ý kiến lo ngại các quy định hiện hành của Hàn Quốc không đủ mạnh để ngăn chặn các cuộc chuyển giao công nghệ từ các công ty công nghệ cao. Năm ngoái, Ủy ban Thi hành án thuộc Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã quyết định tăng hình phạt và kéo dài thời gian phạt tù đối với các hành vi làm rò rỉ công nghệ quốc gia.