Theo SADC, hạn hán bắt đầu từ đầu năm 2024 đã phá hủy mùa màng và ảnh hưởng đến chăn nuôi, gây thiếu lương thực trầm trọng và tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Ngày 17/8, hội nghị thượng đỉnh thường niên của SADC vừa diễn ra tại thủ đô Harare của Zimbabwe. Các lãnh đạo của 16 quốc gia thành viên SADC đã thảo luận về các vấn đề của khối, trong đó có an ninh lương thực.
Thư ký điều hành của SADC, ông Elias Magosi, cho biết có khoảng 68 triệu người - tương đương 17% dân số của toàn khu vực - đang trong tình trạng cần giúp đỡ.
“Mùa mưa năm 2024 là thách thức của hầu hết các khu vực đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ hiện tượng thời tiết El Nino, với đặc trưng là mùa mưa đến muộn”, ông Magosi nói.
Đây là đợt hạn hán nghiêm trọng nhất ở khu vực Nam Phi trong nhiều năm gần đây, do sự kết hợp từ hiện tượng El Nino - một kiểu khí hậu tự nhiên sinh ra từ vùng nước ấm bất thường ở phía đông Thái Bình Dương - và sự gia tăng nhiệt độ trung bình trên Trái đất do các tác động từ hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu.
Các quốc gia bao gồm Zimbabwe, Zambia và Malawi đã ban bố tình trạng thảm họa quốc gia vì nạn đói, trong khi Lesotho và Namibia kêu gọi sự hỗ trợ nhân đạo từ cộng đồng quốc tế.
Tổng thống Angola đồng thời là chủ tịch luân phiên của SADC, ông Joao Lourenco cho biết vào tháng 5 năm nay, khối đã phát động kêu gọi 5,5 tỷ USD để hỗ trợ nhân đạo cho các khu vực chịu ảnh hưởng từ hạn hán, song cho đến nay vẫn chưa nhận được khoản đóng góp nào đáng kể.
Phát biểu tại hội nghị, ông Joao Lourenco nói: “Thật không may, số tiền huy động được cho đến nay vẫn thấp hơn số tiền ước tính trước đó, và tôi muốn nhắc lại lời kêu gọi này tới các đối tác trong khu vực và trên thế giới để họ có thể tăng cường hỗ trợ nhằm giúp đỡ người dân của chúng ta - những người đang bị ảnh hưởng bởi El Nino.”
Hạn hán là chủ đề trọng điểm tại hội nghị thượng đỉnh năm nay của SADC, bên cạnh các vấn đề khác như xung đột đang diễn ra ở phía đông Cộng hòa Dân chủ Congo, mà theo Tổng thống Angola nhận định đây cũng mối lo ngại lớn cho cộng đồng.