Theo kết quả thăm dò của Hãng Realmeter, tới 73,6% người dân ủng hộ việc luận tội Tổng thống Yoon, phản ánh sự bất bình rộng rãi trong xã hội đối với hành động này.
Đảng Dân chủ (DP), đảng đối lập chính tại Hàn Quốc đệ trình kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon, sau khi ông ban hành thiết quân luật trong bối cảnh căng thẳng chính trị gia tăng. Việc này đã gây ra sự chia rẽ trong nội bộ chính trị và dẫn đến những lo ngại về tính hợp pháp của quyết định.
Theo Hiến pháp Hàn Quốc, thiết quân luật chỉ có thể được ban bố trong các tình huống chiến tranh hoặc khẩn cấp quốc gia với các thủ tục nghiêm ngặt phải được tuân thủ, bao gồm việc thông báo với nội các và cơ quan lập pháp.
Các đối thủ chính trị của ông Yoon, đặc biệt là từ Đảng Dân chủ cho rằng việc ban bố thiết quân luật của ông là hành động vi phạm hiến pháp và đã gây ra sự hoang mang trong công chúng.
Nghị sĩ Kim Seung Won từ Đảng Dân chủ cho biết quyết định này gây ra “hỗn loạn và sợ hãi” trong người dân. Mặc dù Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP), đảng cầm quyền, phản đối kiến nghị luận tội, sự chia rẽ trong nội bộ PPP đang ngày càng sâu sắc khi nhiều người không đồng tình với hành động của Tổng thống Yoon.
Để kiến nghị luận tội có thể được thông qua, phe đối lập cần có sự ủng hộ của ít nhất 2/3 số nghị sĩ trong Quốc hội Hàn Quốc, tức khoảng 200 phiếu. Điều này đồng nghĩa với việc các nghị sĩ từ PPP, hiện đang nắm 108 ghế, sẽ phải ít nhất 8 người tham gia ủng hộ việc luận tội.
Nếu kiến nghị được thông qua, Tòa án Hiến pháp sẽ xem xét và đưa ra quyết định trong vòng tối đa 180 ngày. Nếu Tòa án Hiến pháp phế truất ông Yoon, Thủ tướng Han Duck Soo sẽ tạm thời điều hành đất nước cho đến khi một cuộc bầu cử tổng thống mới được tổ chức.
Đây là một trong những cuộc khủng hoảng hiến pháp nghiêm trọng nhất tại Hàn Quốc trong nhiều năm qua. Trước đó, chỉ có hai tổng thống Hàn Quốc từng đối mặt với thủ tục luận tội, với bà Park Geun Hye bị phế truất vào năm 2017 do bê bối tham nhũng và Tổng thống Roh Moo Hyun năm 2004 bị luận tội nhưng sau đó được Tòa án Hiến pháp minh oan.