Hàn Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ phi hạt nhân hóa Triều Tiên

VOH - Ngày 2/8, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tổ chức cuộc họp về giải quyết thách thức đối với cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu tại Vienna, Áo.

Sự kiện này được đồng tổ chức với Bộ châu Âu và Ngoại giao của Pháp - bên lề cuộc họp Ủy ban trù bị lần thứ nhất cho Hội nghị kiểm điểm lần thứ 11 Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Tại cuộc họp này, Vụ trưởng phụ trách không phổ biến vũ khí hạt nhân và các vấn đề hạt nhân của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Yoon Jong Kwon bày tỏ cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Hàn Quốc trong việc thực hiện phi hạt nhân hóa Triều Tiên, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế cho mục tiêu này.

Cũng tại sự kiện, các đại biểu tham gia tái khẳng định việc phi hạt nhân hóa của Triều Tiên vẫn là một vấn đề ưu tiên trong cơ chế NPT. 

tên lửa đạn đạo liên lục địa
Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn Hwasong-18 ngày 12/7/2023. - Ảnh: Yonhap

Hiện Hàn Quốc, cùng với Pháp, Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia có cùng quan điểm khác, đã chuẩn bị một tuyên bố chung về vấn đề Triều Tiên để trình bày tại cuộc họp của Ủy ban trù bị.

Các quốc gia dự kiến kêu gọi Triều Tiên quay trở lại các nghĩa vụ của NPT và thực hiện các yêu cầu của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA). Các nước đồng thời thúc giục Triều Tiên thực hiện các bước cụ thể để từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo và các chương trình liên quan một cách đầy đủ, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.

Triều Tiên tham gia NPT tháng 12/1985. Tháng 3/1993, Triều Tiên rút khỏi hiệp ước, nhưng tháng 10/1994 lại tham gia hiệp ước theo Hiệp định khung Geneva ký với Mỹ. Tháng 1/2003, Bình Nhưỡng chính thức rút khỏi hiệp ước này.

Theo Hãng tin Tass, trong nửa đầu năm 2022, Triều Tiên đã phóng ít nhất 28 tên lửa. Đây là con số cao kỷ lục trong giai đoạn sáu tháng, vượt kỷ lục 25 vụ phóng vào năm 2019.

Ngoài ra, Triều Tiên đã nhanh chóng cải thiện các đặc tính kỹ thuật của tên lửa từ năm 2019 bằng cách chuyển sang dùng nhiên liệu rắn và khiến chúng khó bị đối phương đánh chặn hơn.

Mới đây nhất vào tháng 7, Triều Tiên tuyên bố tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) sử dụng nhiên liệu rắn Hwasong-18 đã bay 1.001km trong 4.491 giây đạt đến độ cao 6.648km trước khi lao xuống vùng biển phía đông nước này.

Bình luận