Vào năm 2018, tại cuộc họp thượng đỉnh lần đầu tiên giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Donald Trump, hai nước đã nhất trí xúc tiến vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên vấn đề này cho đến nay vẫn chưa đi đến kết quả cuối cùng, kể từ sau cuộc họp lần thứ hai và các lần đàm phán cấp bộ trưởng được tổ chức sau đó.
Đến nay, chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào về các chính sách đối với Triều Tiên. Tuy nhiên, Hàn Quốc với mong muốn phục hồi việc hợp tác phát triển kinh tế giữa hai miền Triều Tiên - vốn đang bị đình trệ - đã bày tỏ hy vọng Tổng thống Mỹ Biden có thể kích hoạt lại các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng.
Ông Lee In-young - Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cho biết việc tăng cường thêm các lệnh trừng phạt không phải là cách để đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.
“Nếu chúng ta tiếp tục nói về lệnh trừng phạt, thì đó chỉ nên là những gì đạt được sau các lệnh trừng phạt đã áp dụng. Việc tăng cường, củng cố thêm các lệnh trừng phạt không nên là vấn đề chính”, Bộ trưởng Lee phát biểu tại buổi họp báo vào ngày thứ Tư 3/2.
“Chúng ta phải nhìn nhận rằng, việc áp dụng linh hoạt cách lệnh trừng phạt tùy vào tình hình cụ thể có thể đóng vai trò thúc đẩy đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên”, ông Lee nói thêm.
Nhận định của Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc được đưa ra sau khi Tổng thống Moon Jae-in của nước này lên tiếng kêu gọi Joe Biden hãy tiếp tục tiến trình ngoại giao còn dang dở giữa lãnh đạo Triều Tiên và người tiền nhiệm Donald Trump.
Tuần trước, Tổng thống Hàn Quốc Chung Sye-kyun cho biết Bình Nhưỡng và Washington nên tìm kiếm một thỏa thuận ban đầu, bao gồm việc ngừng các hoạt động hạt nhân tại Triều Tiên và cắt giảm chương trình phát triển hạt nhân để đổi lại việc gỡ bỏ một số lệnh trừng phạt.
Bộ trưởng Lee tuy không nói rõ lệnh trừng phạt nào nên được nới lỏng, nhưng ông đã kêu gọi một số miễn trừ đặc biệt, cho phép các hoạt động nhân đạo được tiến hành qua lại giữa hai nước Hàn - Triều, trong đó có việc hỗ trợ Triều Tiên phòng chống đại dịch Covid-19.
Cho đến nay, Triều Tiên vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 nào, dù phía Hàn Quốc nhiều lần bày tỏ nghi ngại thông tin không chính xác. Triều Tiên cũng từng lên tiếng từ chối sự hỗ trợ của Hàn Quốc trong vấn đề xử lý đại dịch.
Theo ông Lee In-young, chính phủ Hàn Quốc có thể chia sẻ với nước bạn các bộ kit xét nghiệm, thuốc men và các vật tư y tế cần thiết khác khi Triều Tiên đồng ý.
“Ngoài việc giúp đỡ họ, thì việc cùng nhau chống lại Covid-19 là cách để bảo đảm sự an toàn cho tất cả chúng ta. Tôi hy vọng Triều Tiên có thể suy nghĩ về những giá trị tích cực trong các vấn đề hợp tác mang tính nhân đạo này”, ông Lee nói.