Ngày 5/11, một quan chức cấp cao của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) thông báo rằng vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) sáng cùng ngày của Triều Tiên có thể là tên lửa chiến thuật đa nòng siêu lớn KN-25.
Vụ phóng tên lửa trên diễn ra 5 ngày sau vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) nhiên liệu rắn mới Hwasong-19 của Triều Tiên, và chỉ vài giờ trước khi cuộc bỏ phiếu bầu cử tổng thống Mỹ bắt đầu.
Tên lửa của KN-25 có đường kính ước tính 600mm, chiều dài 8,2m, trọng lượng 3 tấn, tầm bắn 200 - 400km.
Tháng 10/2022, Bình Nhưỡng đã tuyên bố KN-25 là một phần trong khả năng mang vũ khí hạt nhân chiến thuật của nước này.
Năm 2023, truyền thông quốc tế dự đoán Bình Nhưỡng có thể đang cố gắng phát triển các siêu hỏa tiễn KN-25 600mm, đưa vũ khí này thành một trong những trụ cột của lực lượng hạt nhân chiến thuật của Triều Tiên.
Theo các chuyên gia Hàn Quốc, trong khi tên lửa Hwasong-19 có thể được coi là mối đe dọa hạt nhân đối với Mỹ, thì tên lửa KN-25 lại là mối nguy hiểm trực tiếp đối với Hàn Quốc.
Điều này phản ánh sự gia tăng căng thẳng trong khu vực khi Triều Tiên tiếp tục cải thiện và mở rộng kho vũ khí tên lửa của mình.
Ngoài tên lửa KN-25, các nhà phân tích quân sự Hàn Quốc cũng dự đoán Bình Nhưỡng có thể sẽ thử nghiệm thêm các loại vũ khí như tên lửa siêu thanh, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), hoặc thậm chí thực hiện vụ thử hạt nhân thứ 7.
Cơ quan tình báo Hàn Quốc và các chuyên gia quân sự nhận định rằng nếu Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 7, khả năng cao đó sẽ là vụ thử vũ khí hạt nhân chiến thuật cỡ nhỏ, được gắn trên bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn KN-25.
Việc này sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc gia tăng sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên và tiếp tục là mối đe dọa lớn đối với an ninh khu vực.