Chờ...

Hàng loạt phi công Pakistan bị phát hiện sử dụng bằng lái máy bay giả

(VOH) - Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế cho biết đã phát hiện một số dấu hiệu bất thường ở bằng lái của các phi công Pakistan và cho rằng đây là “sai sót vô cùng nghiêm trọng” đối với an toàn bay.

IATA đã đưa ra các nhận định trên sau khi hãng Hàng không quốc tế Pakistan (PIA) cho tạm nghỉ việc 1/3 số phi công của hãng.

Đại diện IATA cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi các báo cáo từ Pakistan liên quan đến vấn đề bằng lái phi công giả. Điều này đã làm dấy lên lo ngại về một lỗ hổng vô cùng nghiêm trọng trong khâu cấp bằng lái và bảo đảm an toàn bay theo quy định hàng không.” Người này cũng nói thêm rằng IATA đang tiến hàng tìm hiểu thêm thông tin về sự việc này.

Tại buổi báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Hàng không Pakistan Ghulam Sarwar Khan ngày 24/6 cho biết đã phát hiện có đến 262 trong tổng số 850 phi công của nước này có “dấu hiệu đáng nghi” trong bằng lái.

Việc sử dụng bằng lái giả khi điều khiển cỗ máy hàng trăm triệu USD và chở theo hàng trăm sinh mạng là điều không thể chấp nhận được. Ảnh minh họa. 

Các giấy phép lái máy bay của các phi công bị nghi ngờ vì một số lý do bao gồm cả ngày thi và kỳ thi. Có một số phi công không có tên trong bất kỳ giấy tờ nào trong số 8 loại nhưng vẫn lấy được giấy phép. Trong số đó có những người làm việc cho hãng Hàng không quốc tế Pakistan (PIA), Airblue, Serene, các câu lạc bộ tư nhân và các hãng hàng không nước ngoài”, Bộ trưởng Hàng không Pakistan Ghulam Sarwar Khan nói.

Hãng tin AFP dẫn lời Bộ trưởng Ghulam nói rằng các giấy phép lái máy bay bất thường không thể không có sự liên quan của cơ quan cấp giấy phép và nhân viên công nghệ thông tin. Ông khẳng định chính phủ Pakistan đã tìm ra danh tính những người này và sẽ tiến hành truy cứu trách nhiệm theo pháp luật.

HIện trường đổ nát của vụ rơi máy bay Pakistan ngày 22/5/2020. Ảnh: Reuters

Trước đó, vào ngày 22/5, chuyến bay mang số hiệu PK 8303 của PIA chở 99 người, trong đó có tám thành viên phi hành đoàn, đã đâm vào khu dân cư ngay trước khi hạ cánh xuống sân bay Karachi, Pakistan. Vụ tai nạn khiến 97 người thiệt mạng và gây thiệt hại đáng kể cho nhà dân.

Theo báo cáo điều tra sơ bộ về vụ tai nạn, thảm kịch trên xảy ra là do lỗi của con người, mà cụ thể là phi công và đội kiểm soát không lưu đã không tuân thủ đúng các nguyên tắc an toàn bay. Gặp nạn là chiếc Airbus A320, chiếc máy bay được xác định không có bất kỳ lỗi kỹ thuật nào và hoàn toàn đảm bảo đủ điều kiện cất cánh.