Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh dư luận Mỹ và quốc tế đang dành sự quan tâm lớn vào sự kiện một người Mỹ gốc Phi tử vong được cho là có nguyên nhân từ cảnh sát.
Người Mỹ da màu George Floyd bị cảnh sát bắt giữ vào ngày 25/5 và tử vong ngay sau đó khi bị một viên cảnh sát da trắng ghì vào cổ đã thổi bùng lên làn sóng biểu tình rầm rộ và lan rộng trên toàn nước Mỹ, thậm chí lan sang một số quốc gia khác ở châu Âu và châu Á.
Theo Reuters, sự kiện trên cùng với những chỉ trích nhắm vào Amazon khi lo ngại rằng công nghệ nhận diện khuôn mặt của họ có thể hoạt động không chính xác đã khiến Amazon đưa ra quyết định vào ngày 11/6 rằng sẽ ngưng cấp phép sử dụng phần mềm nhận diện khuôn mặt Rekognition của mình cho cảnh sát và không cho phép các lực lượng cảnh sát Mỹ sử dụng nó trong vòng một năm tới.
Cụ thể, theo kết quả từ một nghiên cứu trước đây của chính phủ Mỹ, phần mềm nhận diện Rekognition của Amazon có vẻ khá khó khăn trong việc xác định giới tính của những người có làn da sậm màu. Chính điều này làm dấy lên mối lo ngại sẽ có nhiều vụ bắt giữ bất công, không chính xác nếu các cơ quan hành pháp sử dụng công nghệ này để xác định nghi phạm.
Ngoài ra, cũng xuất hiện nhiều ý kiến lo ngại về cách triển khai công nghệ nhận diện bí mật và không có sự đóng góp ý kiến từ cộng đồng. Họ sợ phần mềm này có thể được cơ quan thực thi pháp luật dùng để theo dõi bất kỳ ai họ thấy khả nghi mà không có bằng chứng hợp lý rằng họ đã phạm tội.
Trước đó vào ngày 8/6, tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia IBM đã tuyên bố họ không còn cung cấp dịch vụ nhận diện khuôn mặt cho cảnh sát nữa. Ngày hôm nay 12/6, Microsoft là tập đoàn mới nhất ở Mỹ tuyên bố ngưng cung cấp cho cảnh sát công nghệ nhận diện khuôn mặt cho đến khi nước này đưa ra quy định mới phù hợp trong sử dụng công nghệ.
Nghiên cứu của chính phủ Mỹ cho thấy các phần mềm nhận diện khuôn mặt cho kết quả kém chính xác hơn đối với người có làn da sậm màu nói chung và người Mỹ gốc Phi nói riêng, từ đó có thể dẫn đến những vụ bắt giữ oan uổng. Ảnh: BBC
Quốc hội Mỹ đã cân nhắc đưa ra quy định về sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt trong nhiều tháng qua. Ngày 8/6, Tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia IBM đã tuyên bố họ không còn cung cấp dịch vụ nhận diện khuôn mặt, trong khi đối thủ Microsoft cũng đã từ chối cung cấp dịch vụ cho một số doanh nghiệp nhưng cho biết vẫn sẽ vẫn tiếp tục hoạt động phát triển công nghệ này.
Bà Nicole Ozer - Giám đốc Công nghệ và Tự do dân sự của Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ tại Bắc California, cho rằng cần đưa ra một lệnh cấm chung với công nghệ này. “Công nghệ nhận diện khuôn mặt cung cấp cho các nhà chức trách quyền lực chưa từng có để theo dõi chúng tôi. Chúng tôi kêu gọi Microsoft và các công ty khác cùng tham gia lệnh cấm này, như IBM, Google, và Amazon để bảo vệ công lý”, Ozer nói.