Hiểm họa cho môi trường từ vụ hỏa hoạn tàu container ở Sri Lanka

(VOH) - Một tàu chở hàng của Singapore đã bốc cháy ngoài khơi Sri Lanka, làm ô nhiễm nghiêm trọng khu vực bờ biển phía tây nước này bởi số dầu loang cực lớn và hàng tấn mảnh vỡ khác nhau.

Tàu hàng đăng ký tại Singapore mang tên X-Press Pearl chở theo hàng hóa là gần 1.500 container các loại hóa chất - trong đó có 25 tấn axit nitric và mỹ phẩm đã bốc cháy suốt nhiều ngày qua, bắt đầu từ ngày 21/5. 

Số container này được đưa lên tàu tại cảng Hazira ở Ấn Độ hôm 15/5. Con tàu đang trên đường đi từ Ấn Độ tới Singapore thì bốc cháy khi đang trong vùng biển Sri Lanka, kéo theo mối lo ngại ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đối với khu vực bãi biển phía tây nước này - đặc biệt là bãi biển du lịch nổi tiếng Negombo. 

Trước lo ngại về một thảm họa môi trường vì sự kiện này, lực lượng hải quân Sri Lanka đã phối hợp với hải quân Ấn Độ và các chuyên gia cứu hộ để tìm cách dập tắt ngọn lửa trên tàu. Mặc dù vậy, các cơ quan chức năng cho biết, biển động và gió lớn tại hiện trường đang cản trở rất nhiều công tác cứu hộ.  

Nếu con tàu container này chìm, đồng nghĩa với việc hàng tấn dầu sẽ tràn ra đại dương và là mối đe dọa cực lớn đối với hệ sinh thái biển trong khu vực.

Chủ tịch Cơ quan quản lý cảng biển ở Sri Lanka - ông Daya Rathnayake cho biết ngọn lửa trên tàu cơ bản đã được dập tắt, tuy nhiên các đội cứu hộ vẫn chưa thể lên boong vì nhiệt độ thân tàu và xung quanh vẫn rất cao.

Lực lượng cứu hộ muốn kéo con tàu vào vùng nước sâu hơn, tuy nhiên ông Rathnayake cho rằng điều đầu tiên là phải để các chuyên gia đánh giá cấu trúc của con tàu để xem xét liệu việc kéo con tàu có khả thi hay không.

Tàu hàng container bốc cháy ngoài khơi Sri Lanka, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Tàu hàng Singapore cháy ngùn ngụt ngoài khơi Sri Lanka suốt nhiều ngày liền. Ảnh: Cơ quan Quản lý thảm họa/ Không quân Sri Lanka
 
Ngoài việc là một địa điểm du lịch nổi tiếng, Negombo còn là ngư trường đánh bắt thủy sản lớn tại địa phương. Điều này có nghĩa sự cố tràn dầu từ tàu container của Singapore sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân trong khu vực.

Mặc dù mối lo ngại về dầu tràn là điều hiển nhiên, song vấn đề lớn hơn lúc này là số lượng cực lớn những mảnh vỡ khác nhau từ tai nạn này - trong đó nhiều nhất là các thanh vật liệu nhựa từ hàng hóa trên tàu. Số nhựa này hiện đã lan đến một số thị trấn khác dọc đường bờ biển phía tây Sri Lanka.

Hãng tin BBC dẫn lời Giáo sư môi trường Jagath Gunawarnadena nhận định, mối nguy hiểm từ những vật liệu nhựa này đến từ việc chúng sẽ trôi lênh đênh và vỡ ra, hòa vào nước biển. Khi đó, một số lượng lớn các hạt vi nhựa được giải phóng sẽ có tác hại vô cùng đến đời sống các loài sinh vật biển.

Trả lời hãng thông tấn AFP, Chủ tịch Cơ quan Bảo vệ môi trường biển Sri Lanka - bà Dharshani Lahandapura cho biết thủy thủ đoàn của tàu đã biết về việc rò rỉ axit nitric từ trước khi con tàu tiến vào vùng biển Sri Lanka, và vụ hỏa hoạn có thể đã tránh được nếu những người này hành động kịp thời.  

Thuyền trưởng con tàu và thành viên thủy thủ đoàn đã được cứu sống, tuy nhiên các cơ quan chức năng đã đề nghị tiến hành truy cứu trách nhiệm của vị thuyền trưởng này.

Tàu hàng container bốc cháy ngoài khơi Sri Lanka, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Công tác làm sạch bờ biển dự đoán sẽ gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian. Ảnh: Reuters
Tàu hàng container bốc cháy ngoài khơi Sri Lanka, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Hạt nhựa - mối nguy hại nghiêm trọng đối với môi trường. Ảnh: Reuters

Tàu hàng container gặp sự cố thuộc sở hữu của công ty vận tải biển X-Press Shipping đến từ Singapore. Phía công ty xác nhận thủy thủ đoàn đã biết về việc rò rỉ axit nitric nêu trên, nhưng nói rằng những người trên tàu đã bị lực lượng chức năng của Qatar và Ấn Độ từ chối cấp phép rời khỏi con tàu trước khi ngọn lửa bùng lên.  

Thông tin Sri Lanka cho phép con tàu đi vào vùng biển của nước này sau khi bị từ chối bởi hai nước khác đã gây nên làn sóng phẫn nộ của người dân trên các trang mạng xã hội.

Quân đội Sri Lanka cũng đã bắt đầu công tác làm sạch bờ biển, tuy nhiên nếu như con tàu chìm trong vài ngày tới thì thật sự mọi việc sẽ khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều.

“Lựa chọn tốt nhất của chúng tôi là làm sạch bờ biển, và chúng tôi cho rằng bất kỳ hoạt động dọn dẹp nào cũng sẽ mất thời gian kéo dài đến vài tuần, nếu không muốn nói là vài tháng”, bà Lahandapura cho biết.

Đồng thời, bà thông tin thêm với truyền thông địa phương rằng các cơ quan chức năng sẽ bắt đầu kiểm tra chất lượng không khí và nước biển, trước lo ngại rằng lượng khói khổng lồ từ vụ cháy có thể gây hại đến sức khỏe của người dân.