Theo dữ liệu từ vệ tinh, có tới 77% diện tích rạn san hô trên thế giới, từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, đã phải chịu áp lực nhiệt độ từ biến đổi khí hậu khiến san hô bị tẩy trắng.
Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) đã thông báo hiện tượng tẩy trắng san hô toàn cầu vào tháng 4/2024, đánh dấu sự kiện thứ 4 kể từ năm 1998. Trước đó, đợt tẩy trắng hàng loạt từ năm 2014 - 2017 đã ảnh hưởng đến gần 66% diện tích rạn san hô toàn cầu.
Ông Derek Manzello, điều phối viên tại NOAA cho biết: “Sự kiện này vẫn đang mở rộng về không gian và phá kỷ lục trước đó hơn 11% chỉ trong khoảng thời gian ngắn.”
San hô bị tẩy trắng khi chịu áp lực nhiệt từ đại dương ấm lên, khiến chúng đẩy các tảo màu sắc sống trong mô ra ngoài. Khi không còn những tảo này, san hô trở nên nhợt nhạt và dễ bị đói cũng như mắc bệnh.
San hô tẩy trắng chưa chết, nhưng nhiệt độ đại dương cần giảm để chúng có cơ hội phục hồi. Ít nhất 14% san hô còn lại trên thế giới được ước tính đã chết trong hai sự kiện tẩy trắng toàn cầu trước đó.
Mặc dù sự kiện tẩy trắng này đã ảnh hưởng đến các rạn san hô ở 74 quốc gia và vùng lãnh thổ, NOAA vẫn chưa công nhận đây là sự kiện "tồi tệ nhất" trong lịch sử.
Các nhà khoa học dự kiến sẽ tiến hành đánh giá các rạn san hô đã chết để đánh giá mức độ thiệt hại.
Chỉ trong 6 tuần qua, hiện tượng tẩy trắng san hô đã được xác nhận tại các vùng biển ở Palau, Guam và Israel. Nhiệt độ nước biển vẫn duy trì ở mức cao ở vùng biển Caribbean và Biển Đông.
Trước tình trạng tẩy trắng kỷ lục, các nhà khoa học đã kêu gọi tổ chức một phiên họp khẩn cấp về các rạn san hô tại hội nghị Liên hợp quốc về Đa dạng sinh học (COP16) diễn ra ở Colombia vào cuối tháng 10 để thảo luận về các chiến lược ngăn chặn sự tuyệt chủng của san hô, bao gồm biện pháp bảo vệ và tài trợ bổ sung
Các nhà khoa học dự báo rằng khi nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C, có thể tới 90% rạn san hô sẽ bị chết. Kỷ lục tẩy trắng mới nhất củng cố thêm bằng chứng rằng các rạn san hô đã vượt qua ngưỡng mức nóng lên 1,3 độ C, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe đại dương, ngư nghiệp và ngành du lịch.
Hiện tượng tẩy trắng đang diễn ra càng trở nên trầm trọng hơn do El Nino, mô hình khí hậu tự nhiên làm ấm lên một số đại dương.
Một số nhà dự báo dự đoán, thế giới có thể chuyển sang mô hình khí hậu La Nina trong những tháng tới, vốn thường mang lại nhiệt độ đại dương mát hơn và sẽ tạo cơ hội cho san hô phục hồi.