Kế hoạch thúc đẩy này diễn ra sau khi chính phủ Indonesia thể hiện lập trường tích cực với phía Hoa Kỳ về việc giải quyết một số vấn đề gây tranh cãi.
Ngày 6/11, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross đã thông tin với các nhà báo: phía Hoa Kỳ đánh giá cao về việc gia tăng quan hệ kinh tế với Indonesia bao gồm cả vấn đề các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã tăng cường đầu tư vào Indonesia cũng như là vấn đề kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước tăng lên. Bên cạnh đó ông Ross cũng bày tỏ tin tưởng rằng phía Indonesia sẽ nhanh chóng giải quyết một số vấn đề hiện đang là rào cản đến sự gia tăng kim ngạch thương mại với Hoa Kỳ.
Ông Iman Pambagyo - Chủ tịch Ủy ban đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực cũng cho biết: Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã từng thể hiện sự lo ngại của mình đối với luật pháp Indonesia đã ban hành một số quy định gắt gao về hệ thống mạng điện tử và đầu tư.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto khẳng định: “Chính phủ Indonesia sẽ tạo thuận lợi tốt nhất cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ thông qua hình thức điều chỉnh luật nhằm giảm phức tạp liên quan đến Điều lệ kinh doanh và Đối tác kinh doanh”. Trong năm vừa qua, chính quyền Jakarta đã gia tăng hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ do được hưởng chế độ thuế quan ưu đãi phổ cập (GSP) từ phía Hoa Kỳ. Kim ngạch thương mại tăng lên gần 2 tỷ USD nhưng cũng chỉ tương đương khoảng từ 10%-15% trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Indonesia.
Trang Web chính thức của Chính phủ Hoa Kỳ cũng đăng tải: Indonesia là thị trường lớn đứng hàng thứ 26 của Hoa Kỳ. Năm ngoái, Hoa Kỳ đã ký kết thỏa thuận với Indonesia và lên kế hoạch chiến lược tổng thể nhằm thúc đẩy thương mại song phương tăng lên 50 tỷ USD/năm trong vòng 3 năm tới. Tính đến thời điểm cuối tháng 10/2019, kim ngạch thương mại song phương giữa Hoa Kỳ và Indonesia đạt khoảng 26,6 tỷ USD, tăng hơn mức kỳ vọng khoảng 1,2 tỷ USD.