Tại hội nghị lần này, G20 đạt được một sự đồng thuận hạn chế về xung đột ở Ukraine, chỉ đề cập ngắn gọn đến hậu quả nhân đạo và kinh tế của cuộc chiến.
Một số nhà ngoại giao châu Âu đã kỳ vọng một tuyên bố mạnh mẽ hơn, nhưng để đạt được sự nhất trí, họ buộc phải nhượng bộ.
Tuyên bố chung của G20 cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng nhân đạo nghiêm trọng tại Dải Gaza, kêu gọi viện trợ khẩn cấp, bảo vệ dân thường tốt hơn và hướng tới việc đạt được các lệnh ngừng bắn toàn diện tại Dải Gaza và Lebanon.
Về vấn đề biến đổi khí hậu, G20 nhất trí rằng cần thiết lập một mục tiêu tài chính mới, trong đó các quốc gia giàu có sẽ hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển.
Chủ tịch COP29 Mukhtar Babayev nhấn mạnh vai trò thiết yếu của G20 trong việc thúc đẩy các trụ cột chính của Thỏa thuận Paris, từ tài chính, giảm thiểu, đến thích ứng: “G20 đóng góp 85% GDP toàn cầu và 80% lượng khí thải. Vai trò của họ là không thể thiếu để đạt được các tiến bộ. Thế giới đang trông đợi G20 gửi đi những tín hiệu mạnh mẽ về cam kết đối phó với khủng hoảng khí hậu tại hội nghị thượng đỉnh này.”
Là nước chủ nhà hội nghị, Brazil đã mở rộng trọng tâm sang vấn đề xóa đói giảm nghèo. G20 đã ra mắt Liên minh Toàn cầu chống đói nghèo với sự tham gia của hơn 80 quốc gia, các ngân hàng đa phương và tổ chức từ thiện.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết đóng góp 4 tỷ USD trong vòng ba năm tới cho Hiệp hội Phát triển Quốc tế của Ngân hàng Thế giới, nhằm hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương nhất.
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cũng kêu gọi hợp tác quốc tế về thuế để giảm bất bình đẳng: “Áp mức thuế 2% đối với tài sản của những người siêu giàu có thể tạo ra 250 tỷ USD mỗi năm, giúp giải quyết các thách thức xã hội và môi trường. Chúng ta không thể đợi đến khi xảy ra chiến tranh hay khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới thực hiện các cải cách cần thiết.”
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố các sáng kiến hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển ở Nam bán cầu, bao gồm hợp tác khoa học với Brazil và châu Phi, cũng như giảm rào cản thương mại cho các nước kém phát triển.
Ông Tập cũng kêu gọi tăng cường quản lý và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, nhấn mạnh rằng AI không nên chỉ là “cuộc chơi” của các quốc gia và cá nhân giàu có.