Chờ...

Hơn 162,6 triệu người nhiễm Covid-19 trên thế giới, hơn 3,37 triệu ca tử vong

(VOH) - Tính đến sáng 16/5, thế giới đã ghi nhận hơn 162,6 triệu người nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 3,37 triệu trường hợp tử vong.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 33,695,280 ca nhiễm và 599,839 ca tử vong, tăng lần lượt 25,006 và 488. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) hôm 13/5 thông báo dỡ yêu cầu đeo khẩu trang đối với những người đã tiêm phòng vaccine Covid-19 đầy đủ.

Dữ liệu thu thập được cho thấy hiệu quả cực kỳ cao của các vaccine Covid-19 được cấp phép ở Mỹ, không chỉ ngăn triệu chứng mà còn cả ca nhiễm không triệu chứng và lây truyền. Gần 60% người trưởng thành ở Mỹ đã được tiêm một hoặc hai mũi vaccine và 36,7% dân số đã được tiêm đủ hai mũi.

hon-162-6-trieu-nguoi-nhiem-covid-19-tren-the-gioi-hon-3-37-trieu-ca-tu-vong-voh.com.vn-anh1
Người đàn ông mặc đồ bảo hộ chạm vào thi thể của người thân chết vì Covid-19 trước khi hỏa táng trên bờ sông Hằng tại bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, hôm 6/5. Ảnh: Reuters.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, ghi nhận thêm 310.822 ca nhiễm và 4.090 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 24.683.065 và 270.319. Theo ông Manoj Kumar Singh, quan chức cấp cao bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ, nơi sinh sống của 240 triệu người, hôm 15/5 thừa nhận, nhiều thi thể được phát hiện ở sông Hằng là nạn nhân Covid-19. Ông Manoj Kumar Singh kêu gọi các trưởng làng đảm bảo không có thi thể nào bị thả sông và cho biết chính quyền bang sẽ cấp cho các gia đình nghèo 5.000 rupee (68 USD) để hỏa táng hoặc chôn thi thể. Bang cũng đã yêu cầu cảnh sát tuần tra các con sông để ngăn người dân thả thi thể.

Tại khu vực châu Á, Malaysia ghi nhận ca Covid-19 tăng kỷ lục với 44 trường hợp được xác nhận. Bộ Y tế cũng cho biết thêm 4.140 ca nhiễm được báo cáo, đánh dấu mức tăng trên 4.000 ngày thứ tư liên tiếp. Malaysia hiện là vùng dịch lớn thứ ba trong khu vực, sau Indonesia và Philippines, với 466.330 ca nhiễm và 1.866 ca tử vong.

Lào cũng ghi nhận thêm 72 ca mắc Covid-19 mới trong vòng 24 giờ qua, trong đó có 51 ca lây nhiễm trong cộng đồng, số còn lại là các ca nhập cảnh và được cách ly ngay. Sau 1 ngày chỉ ghi nhận duy nhất 1 ca nhiễm cộng đồng, Lào tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm cộng đồng ở mức hai con số tại tỉnh Bokeo và thủ đô Vientiane, lần lượt là 37 và 14 ca. Hiện tổng số ca mắc tại Lào là 1.570 trường hợp, trong đó phần lớn đều là các ca lây nhiễm trong cộng đồng được phát hiện từ cuối tháng 4. Đến nay, Lào đã chữa khỏi cho 555 bệnh nhân và chỉ ghi nhận 2 ca tử vong do Covid-19.

Campuchia đã ghi nhận ngày thứ tư liên tiếp có số ca mắc mới giảm, trong bối cảnh chính quyền thủ đô nước này quyết định tiếp tục đóng cửa các khu chợ trong thành phố thêm một tuần để đề phòng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Theo Bộ Y tế Campuchia, nước này có thêm 335 ca mắc mới trong ngày hôm qua, nâng tổng số ca bệnh tại Campuchia lên 21.834 người, trong đó 10.940 trường hợp đã bình phục. Tổng số ca tử vong do dịch Covid-19 tại Campuchia hiện vẫn là 147 ca, do không có thêm trường hợp tử vong.

Tại Trung Quốc, giới chức đã quyết định hủy lễ hội leo núi mùa xuân năm 2021 từ phía Tây Tạng của đỉnh Everest do lo ngại nguy cơ lây lan Covid-19 từ những người leo núi ở phía Nepal. Nép mình giữa Ấn Độ và Tây Tạng, Nepal đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt bùng phát Covid-19 thứ hai. Việc Nepal mở cửa cho du khách leo núi được cho là gây bùng nổ ổ dịch khi hàng chục người leo núi thông báo dương tính với nCoV.

Thái Lan có kế hoạch cho phép các nhà hàng khôi phục dịch vụ ăn uống tại thủ đô Bangkok nhưng giới hạn giờ mở cửa và số khách trong bối cảnh Thái Lan vật lộn với làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ ba. Các nhà hàng tại những khu vực báo động đỏ như Bangkok sẽ được phép tái mở cửa nhưng công suất phục vụ chỉ 25% và phải đóng cửa lúc 21h. Trước đó, các nhà hàng ở vùng báo động đỏ chỉ được phép mở cửa phục vụ đồ ăn mang đi. Khoảng 100.000 nhân viên nhà hàng sẽ được tiêm vaccine để đảm bảo an toàn.

Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi thông báo, Nhật Bản đã quyết định cấp khoản viện trợ không hoàn lại 22,5 triệu đô la Mỹ cho Ấn Độ và Myanmar. Đây là khoản viện trợ khẩn cấp của Chính phủ Nhật Bản nhằm giúp Ấn Độ ứng phó với sự lây lan nhanh chóng của đại dịch Covid-19 và giúp Myanmar khắc phục tình trạng thiếu lương thực do tác động của tình trạng bất ổn chính trị. Trang tin Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết trong tổng số tiền trên, Ấn Độ sẽ được nhận 18,5 triệu đô la Mỹ, còn Myanmar được nhận 4 triệu đô la Mỹ. Số tiền viện trợ cho Ấn Độ sẽ được chuyển một phần thành các máy trợ thở và máy tạo ôxy.