Hơn 20% số người từ 15 đến 19 tuổi sử dụng rượu

VOH - Tính tới đầu tháng 7/2024, khoảng 1/8 số người trưởng thành tại Mỹ thường xuyên sử dụng rượu.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), rượu cướp đi sinh mạng của gần 3 triệu người trên toàn thế giới mỗi năm.

WHO cho rằng rượu là nguyên nhân gây ra gần 1/20 ca tử vong trên toàn cầu trong các trường hợp như lái xe khi đã uống rượu, bạo lực và lạm dụng do rượu gây ra hay rối loạn sức khỏe do sử dụng rượu. Gần 3/4 trong số đó là nam giới, độ tuổi từ 20 - 39.

Việc sử dụng chất gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe cá nhân, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, tình trạng sức khỏe tâm thần và dẫn đến hàng triệu ca tử vong có thể phòng ngừa được mỗi năm.

Uong ruou va thiet hai

Lạm dụng rượu là nguyên nhân dẫn tới trầm cảm - Ảnh: WHO

Lượng tiêu thụ rượu đã giảm từ năm 2010 (từ mức 5,7 lít/người/năm xuống còn 5,3 lít/người/năm), nhưng các vấn đề về sức khỏe và ảnh hưởng đến xã hội do sử dụng rượu vẫn ở mức cao “không thể chấp nhận được”.

Theo WHO, trên toàn cầu có tới 23,5% thanh niên từ 15 - 19 tuổi sử dụng rượu. Châu Âu có mức tiêu thụ rượu bình quân đầu người cao nhất là 9,2 lít/năm. Tiếp theo là châu Mỹ ở mức 7,5 lít/năm.

WHO cho rằng, lạm dụng rượu bia gây ra các vấn đề sức khỏe liên quan đến 7 loại ung thư, bệnh tim mạch, xơ gan, đột quỵ và vấn đề về tiêu hóa cũng như nhiều bệnh không lây nhiễm khác.

Với riêng vùng England của Vương quốc Anh, tình trạng lạm dụng rượu được cho là có thể gây thiệt hại 27 tỷ Bảng (khoảng hơn 34 tỷ USD) mỗi năm cho nền kinh tế.

Các nghiên cứu cũng cho rằng rượu bia liên quan đến hơn 4 triệu vụ phạm tội tại Anh, gây thiệt hại cho hệ thống tư pháp 14,6 tỷ Bảng. Các cơ sở chăm sóc xã hội cũng phải chi gần 3 tỷ Bảng mỗi năm để giải quyết tác động của việc uống rượu đối với các cá nhân và gia đình.

Nền kinh tế Anh mỗi năm cũng thiệt hại thêm khoảng 5 tỷ Bảng do tình trạng lạm dụng rượu bia dẫn đến mất năng suất và thất nghiệp.

 

Bình luận