Trước đó, truyền thông Papua New Guinea đưa tin vụ lở đất trên diện rộng san phẳng một ngôi làng ở nước này hôm 24/5 đã chôn vùi hơn 300 người. Nhưng 48 giờ sau, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) thuộc Liên Hiệp Quốc cho biết số người thiệt mạng có thể sẽ tăng gấp đôi con số này, vì mức độ tàn phá nghiêm trọng chưa thể lường hết và công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn và nguy hiểm.
Tính đến nay mới chỉ tìm thấy thi thể của 5 nạn nhân bị vùi lấp và nhiều người bị thương, trong đó ít nhất 20 phụ nữ và trẻ em.
IOM cho biết số người thiệt mạng được đưa ra dựa trên thông tin mà các quan chức ở làng Yambali, tỉnh Enga ở Papua New Guinea cung cấp. Theo nguồn tin này thì đã có hơn 150 ngôi nhà của người dân bị chôn vùi hoàn toàn trong đất.
IOM lo ngại những người thiệt mạng có thể phần lớn đều là trẻ em từ 15 tuổi trở xuống, do khu vực nơi xảy ra sạt lở là một cộng đồng cư dân có tuổi đời khá trẻ.
“Đất vẫn tiếp tục sạt lở, đất đá vẫn đang rơi xuống, mặt đất thì nứt toác do áp lực lớn từ trên đổ xuống và các mạch nước ngầm cũng bị vỡ. Hiện đây là khu vực nguy cơ rủi ro cực cao đối với tất cả mọi người”, ông Serhan Aktoprak - người đứng đầu IOM ở Papua New Guinea cho biết.
Theo chính quyền địa phương, trong khu vực hiện có hơn 250 ngôi nhà bỏ hoang do người dân đã đi lánh nạn nhờ nhà người thân, bạn bè. Khoảng 1.250 người đã sơ tán.
Theo IOM, không chỉ nhà dân mà cả trường tiểu học, các cửa hàng nhỏ lẻ, các cơ sở lưu trú như nhà trọ và cả trạm xăng dầu đều bị chôn vùi vì lở đất.
Vụ lở đất hôm 24/5 đã để lại lớp đất đá sâu tới 8 mét trên diện tích 200 km2, làm gián đoạn giao thông khiến nỗ lực cứu trợ gặp khó khăn. Sử dụng trực thăng là biện pháp duy nhất để tiếp cận khu vực này.
Papua New Guinea là một quốc gia ở phía nam Thái Bình Dương và ở phía bắc Australia, thuộc "Vành đai lửa" Thái Bình Dương - nơi giao nhau của các đường đứt gãy của vỏ Trái đất, thường xuyên xảy ra các hoạt động địa chấn và xuất hiện nhiều các trận động đất và hoạt động núi lửa trên thế giới.
Papua New Guinea là quốc gia đa dạng với 800 ngôn ngữ được sử dụng trong cả nước, đang phát triển với ngành nghề chính là nông nghiệp tự cung tự cấp. Với dân số khoảng 10 triệu người, đây là quốc gia Nam Thái Bình Dương đông dân nhất sau Australia - nơi có khoảng 27 triệu dân.