Tuyên bố này được phát trên kênh truyền hình Al-Masirah của Houthi, cho biết các tàu thương mại hiện diện trong hoặc sắp đến cảng Haifa sẽ bị coi là mục tiêu tấn công.
Người phát ngôn quân sự của Houthi, ông Yahya Saree, nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ áp đặt phong tỏa hàng hải đối với cảng Haifa cho đến khi xung đột tại Gaza chấm dứt và lệnh phong tỏa tại đây được dỡ bỏ.” Đồng thời, ông cảnh báo các tàu nên tránh xa khu vực này để đảm bảo an toàn.
Đây là động thái mới nhất trong chiến dịch gia tăng sức ép lên Israel của lực lượng Houthi – đồng minh thân Iran – vốn đã nhiều lần nhắm vào tàu thuyền ở biển Đỏ trong thời gian qua. Trước đó, nhóm này cũng tuyên bố phong tỏa hàng không sân bay quốc tế Ben Gurion nhưng chưa đạt được hiệu quả thực tế.
Theo Tân Hoa Xã, tuyên bố của Houthi được đưa ra sau các cuộc đàm phán hòa giải giữa Mỹ và lực lượng này do Oman làm trung gian. Hai bên được cho là đã đạt thỏa thuận tạm ngưng tấn công các tàu Mỹ ở biển Đỏ, đổi lại việc Mỹ không tiếp tục không kích vào các căn cứ của Houthi tại Yemen.
Trong bối cảnh căng thẳng chưa hạ nhiệt, Mỹ vừa rút siêu tàu sân bay USS Harry S. Truman khỏi khu vực Trung Đông sau gần 5 tháng triển khai để đối phó với Houthi. Một quan chức quốc phòng Mỹ ngày 19/5 xác nhận tàu sân bay này đang di chuyển qua Địa Trung Hải để trở về căn cứ tại Norfolk, bang Virginia, Mỹ. Trên hành trình về nước, tàu đang diễn tập và chưa rõ thời điểm chính xác sẽ cập cảng.
Như vậy, hiện tại Mỹ chỉ còn duy trì một nhóm tác chiến tàu sân bay ở Trung Đông là USS Carl Vinson. Quyết định rút USS Truman cho thấy Mỹ đang điều chỉnh hiện diện quân sự tại khu vực sau khi đạt một số thỏa thuận chiến lược nhằm hạn chế leo thang.
Trong thời gian hoạt động ở biển Đỏ và Địa Trung Hải, nhóm tác chiến của USS Harry S. Truman đã chịu tổn thất đáng kể: 3 tiêm kích F/A-18 bị mất, với tổng thiệt hại khoảng 180 triệu USD. Một chiếc F/A-18F bị bắn nhầm bởi tuần dương hạm USS Gettysburg vào cuối tháng 12-2024. Đến tháng 4, một chiếc F/A-18E rơi xuống biển khi tàu sân bay phải ngoặt gấp để tránh tên lửa từ Houthi. Hơn một tuần sau, một máy bay khác cũng rơi do sự cố hệ thống hãm đà khi hạ cánh.
Không chỉ máy bay, bản thân tàu sân bay USS Harry S. Truman cũng gặp sự cố khi va chạm với một tàu hàng ngoài khơi Ai Cập vào giữa tháng 2. Vụ va chạm khiến tàu phải quay về cảng ở Hy Lạp để sửa chữa.
Diễn biến này cho thấy cục diện an ninh tại Trung Đông đang ngày càng phức tạp, khi các lực lượng phi nhà nước như Houthi không chỉ hoạt động ở biển Đỏ mà còn mở rộng phạm vi ra Địa Trung Hải. Nếu Houthi hiện thực hóa được đe dọa tại cảng Haifa, đây sẽ là lần đầu tiên một nhóm vũ trang không thuộc nhà nước thực hiện chiến dịch phong tỏa hải cảng của một quốc gia có quân đội chính quy, tạo tiền lệ nguy hiểm cho an ninh hàng hải toàn cầu.