Tiêu điểm: Nhân Humanity

ICC ra lệnh bắt giữ thủ tướng Israel, tổng thống Mỹ Joe Biden phản đối

ISRAEL - Ngày 22/11, Tòa Hình sự quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt giữ đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant với cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người tại Gaza.

Quyết định này ngay lập tức làm gia tăng căng thẳng quốc tế, khi vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Mỹ và Israel.

Tổng thống Mỹ Joe Biden lên tiếng phản đối quyết định của ICC, khẳng định: "Dù ICC muốn ám chỉ điều gì, hoàn toàn không có sự tương đồng nào giữa Israel và Hamas."

Ông Biden nhấn mạnh Mỹ sẽ "luôn sát cánh cùng Israel trước mọi mối đe dọa tới an ninh của họ". Nhà Trắng cũng phát đi tuyên bố "hoàn toàn bác bỏ" lệnh bắt giữ, chỉ trích sự vội vàng của ICC và cho rằng tòa án không có thẩm quyền trong vụ việc này.

Đặc biệt, tuyên bố của Nhà Trắng không đề cập đến lệnh bắt giữ Mohammed Deif, lãnh đạo quân sự của Hamas, mặc dù Israel tuyên bố đã tiêu diệt ông Deif trong một cuộc không kích tại Gaza vào tháng 7. Hamas chưa xác nhận thông tin này.

thu-tuong-va-bo-truong-israel-17322432791281795114489
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) và cựu bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant - Ảnh: AFP

Phản ứng từ các chính trị gia Mỹ cũng khá quyết liệt, trong đó có ông Mike Waltz, cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Ông Waltz lên án ICC và cam kết sẽ có phản ứng mạnh mẽ với những hành động "thiên vị bài Do Thái" của tòa án này và Liên Hiệp Quốc khi chính quyền Trump nhậm chức.

Israel cũng không kém phần phẫn nộ. Tổng thống Isaac Herzog gọi lệnh bắt giữ của ICC là "vô lý" và chỉ trích tòa án đã biến hệ thống tư pháp thành "lá chắn sống" cho các tội ác của Hamas.

Ông khẳng định rằng lệnh bắt giữ này "chế giễu" các giá trị công lý mà thế giới đã bảo vệ từ sau Thế chiến II.

Cả Mỹ và Israel đều không phải là thành viên của ICC và từ chối thẩm quyền của tòa án này trong quá khứ.

Bình luận