Iran cảnh báo mở rộng chương trình hạt nhân trước sức ép quốc tế

VOH - Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi ngày 16/11 tuyên bố Tehran có thể mở rộng chương trình hạt nhân nếu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thông qua nghị quyết chỉ trích nước này.

Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi nhấn mạnh nước này sẵn sàng hợp tác với IAEA để giải quyết các nghi ngờ về chương trình hạt nhân, nhưng sẽ không chấp nhận các áp lực chính trị.

"Nếu một nghị quyết chống lại Iran được thông qua, chúng tôi sẽ đáp trả bằng cách mở rộng chương trình hạt nhân mà phương Tây sẽ không hài lòng," ông Araghchi cảnh báo.

Các nước như Pháp, Anh, và Đức được cho là ủng hộ nghị quyết nhằm tăng cường giám sát các cơ sở hạt nhân của Iran, buộc Tehran phải chấp nhận các hạn chế mới. Tuy nhiên, Iran nhiều lần khẳng định sẽ không hợp tác nếu bị ép buộc.

Ông Araghchi cũng để ngỏ khả năng đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015, nhưng chỉ với các điều khoản đôi bên cùng có lợi.

Trong khi đó, phương Tây vẫn nghi ngờ chương trình làm giàu uranium của Iran là một nỗ lực bí mật phát triển vũ khí hạt nhân, dù Tehran phủ nhận cáo buộc này.

3734322_jpg(1)
Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi - Ảnh: Tehran Times

Cũng trong tuần qua, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran, ông Ali Shamkhani, cho rằng phương Tây, đứng đầu là Mỹ, đang sử dụng chiến tranh hỗn hợp nhằm hủy hoại đất nước ông.

Ông Shamkhani nhấn mạnh Washington cần bồi thường cho Tehran vì các tổn thất kinh tế nặng nề mà các lệnh trừng phạt đã gây ra.

"Người Mỹ phải trả 1.000 tỷ USD để bù đắp thiệt hại cho Iran vì đã kìm hãm sự phát triển của chúng ta trong suốt 25 năm qua," ông Shamkhani tuyên bố.

Mỹ đã áp dụng nhiều đợt trừng phạt kinh tế với Iran từ sau Cách mạng Hồi giáo, với cáo buộc Iran hỗ trợ khủng bố. Nỗ lực duy nhất để xoa dịu quan hệ giữa hai nước là thỏa thuận hạt nhân năm 2015, theo đó Tehran hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, thỏa thuận này sụp đổ vào năm 2018 khi Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào ngành dầu mỏ và tài chính của Iran.

Năm 2021, cựu Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng từng nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ đã gây thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD cho nền kinh tế Iran và yêu cầu Washington bồi thường như một điều kiện để quay trở lại đàm phán.

Bình luận