Trong bài phát biểu trực tiếp trên Đài truyền hình quốc gia, Tổng thống Hassan Rouhani cho biết đây là bước đi tiếp theo của Iran trong việc cắt giảm và thu hẹp các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân ký kết vào năm 2015 với các cường quốc trên thế giới, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Động thái mới nhất này của Iran đã làm tình hình thêm phức tạp khi các nước châu Âu tham gia JCPOA đang ra sức cứu vãn thỏa thuận hạt nhân này và lên tiếng chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump vì đã rút khỏi thỏa thuận vào tháng 5/2018.
Tuy nhiên, ông Rouhani cũng khẳng định, mọi biện pháp Iran đã tiến hành nhằm giảm cam kết của nước này trong JCPOA đều có thể hủy bỏ, và Iran sẽ duy trì mọi cam kết trong thỏa thuận hạt nhân khi các bên còn lại (gồm các nước Pháp, Anh, Đức, Nga, Trung Quốc) cũng làm như vậy.
Sơ đồ một số nhà máy hạt nhân chính tại Iran (màu vàng). Nguồn: BBC
Ông Rouhani nói thêm, Iran cần được bán dầu của mình cho khách hàng cần mua cũng như được sử dụng hệ thống ngân hàng của chính mình mà không gặp bất kỳ hạn chế nào. Ông cũng cho biết Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã được biết về động thái mới của Iran và sẽ tiếp tục giám sát các hoạt động hạt nhân của Iran.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại một cuộc họp báo tại thủ đô Tehran, ngày 14/10/2019. Ảnh: Reuters
Trước đó, vào ngày 4/11, Iran đã đưa vào sử dụng loạt 30 máy ly tâm IR-6 thế hệ mới và lượng sản xuất urani làm giàu của Iran đã đạt 5 kg/ngày. Một máy ly tâm thế hệ mới IR-6 có thể sản xuất urani làm giàu nhanh gấp 10 lần so loại máy ly tâm đời đầu IR-1, vốn là loại máy mà Iran được phép sử dụng theo thỏa thuận. Theo điều khoản của JCPOA, Iran được phép vận hành các máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân Fordow mà không bơm khí đốt vào các máy ly tâm.