Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã điều tra các cuộc tấn công của Israel vào cơ sở hạ tầng cung cấp nước ở Gaza trong suốt 14 tháng xung đột tại đây.
Tổ chức này cáo buộc lực lượng Israel có hành động cố ý nhằm cắt giảm nguồn nước sạch một cách nghiêm trọng đến mức người dân buộc phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, dẫn đến bùng phát các căn bệnh chết người, đặc biệt là ở trẻ em.
HRW lập luận rằng, hành động của Israel đã giết chết hàng ngàn người Palestine và cấu thành hành vi diệt chủng, đồng thời trích dẫn tuyên bố của các bộ trưởng trong liên minh cầm quyền của nước này rằng nguồn cung cấp nước của Gaza sẽ bị cắt làm bằng chứng cho ý định này.
Báo cáo dài 184 trang có tên Diệt chủng và Hành vi Diệt chủng được đưa ra sau báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế trong tháng này kết luận rằng, Israel đã phạm tội diệt chủng ở Gaza.
Lama Fakih, Giám đốc bộ phận Trung Đông và Bắc Phi của HRW, cho biết: “Chính quyền Israel ở cấp cao nhất phải chịu trách nhiệm về hành vi phá hủy, bao gồm cả hành vi cố ý phá hủy cơ sở hạ tầng cấp nước và vệ sinh, ngăn chặn việc sửa chữa cơ sở hạ tầng cấp nước và vệ sinh bị hư hỏng, cũng như cắt hoặc hạn chế nghiêm ngặt nguồn nước, điện và nhiên liệu.
Những hành động này có thể đã gây ra hàng ngàn cái chết và có khả năng sẽ tiếp tục gây ra cái chết trong tương lai, kể cả sau khi chiến sự chấm dứt”.
Đã có gần 670.000 trường hợp tiêu chảy cấp tính được ghi nhận kể từ khi xung đột nổ ra, và hơn 132.000 trường hợp vàng da, một dấu hiệu của bệnh viêm gan.
Các bệnh ở trẻ em cũng trở nên nguy hiểm hơn đáng kể do các bệnh viện và phòng khám sức khỏe ở Gaza bị phá hủy.
Trước khi xung đột nổ ra, 80% nguồn cung cấp nước của Gaza đến từ các giếng nước ngầm dưới dải đất ven biển, nhưng nguồn nước đó bị ô nhiễm và không phù hợp để con người sử dụng.
Phần lớn nước uống ở Gaza đến từ 3 đường ống do cơ quan quản lý nước của Israel và các nhà máy khử muối kiểm soát.
Những đường ống đó đã bị cắt khi xung đột nổ ra và chỉ được mở lại một phần. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã xây dựng một đường ống dẫn nước qua biên giới từ Ai Cập vào tháng 2, nhưng nguồn cung đó đã bị cắt do đường ống bị hư hại trong cuộc tấn công của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) vào Rafah.
Ba nhà máy khử muối chính của Gaza đã ngừng hoạt động ngay sau khi xung đột nổ ra và chỉ có thể khởi động lại một phần sau khi Israel cho phép Liên Hợp Quốc và các cơ quan viện trợ khác mang vào một lượng vật tư hạn chế.
Hình ảnh vệ tinh mà HRW kiểm tra cho thấy, các tấm pin mặt trời cung cấp điện cho 4 trong số 6 nhà máy xử lý nước thải ở Gaza đã bị xe ủi đất của quân đội Israel san phẳng.
Hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy, 11 trong số 54 hồ chứa nước ở Gaza đã bị phá hủy hoàn toàn hoặc phần lớn, và 20 hồ chứa khác có dấu hiệu hư hỏng.
Một đoạn video xuất hiện trên mạng xã hội vào tháng 7/2024 cho thấy cảnh IDF tự quay cảnh cho nổ tung một hồ chứa nước ở quận Tal Sultan của Rafah.
Báo cáo của HRW cũng chỉ ra những tuyên bố của các bộ trưởng Israel khi bắt đầu cuộc chiến. Vào ngày 9/10/2023, bộ trưởng quốc phòng khi đó, Yoav Gallant, đã ra lệnh "bao vây toàn diện" Gaza.
“Sẽ không có điện, không có thức ăn, không có nước, không có nhiên liệu. Mọi thứ đều đóng cửa”, ông tuyên bố. Gallant là đối tượng của lệnh bắt giữ của tòa án hình sự quốc tế vì cáo buộc phạm tội ác chiến tranh.
Israel Katz, khi đó là bộ trưởng năng lượng và hiện là bộ trưởng quốc phòng, đã nhắc lại lời kêu gọi cắt nguồn cung cấp nước, điện và nhiên liệu cho Gaza 2 ngày sau bình luận của Gallant.
Đầu năm nay, Tòa án công lý quốc tế đã ra lệnh tạm thời yêu cầu Israel dừng cuộc tấn công và thực hiện các biện pháp ngay lập tức để ngăn chặn hành vi diệt chủng - trong khi chờ phán quyết của tòa án về việc liệu nước này đã phạm tội hay chưa.
Israel bác bỏ cáo buộc rằng họ phạm tội diệt chủng hoặc tội ác chống lại loài người ở Gaza. Thủ tướng Benjamin Netanyahu gọi cáo buộc này là "sai lầm và vô lý ".
Chính phủ của ông nhấn mạnh quyền tự vệ của mình sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào các cộng đồng ở miền nam Israel vào ngày 7/10/2023, trong đó 1.200 người đã thiệt mạng và khoảng 250 người bị bắt làm con tin.