Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở tại Mỹ cho biết, họ đã thu thập được bằng chứng cho thấy "tội ác chiến tranh là cưỡng bức di dời dân thường", mô tả đây là "một hành vi vi phạm nghiêm trọng các công ước Geneva và là một tội ác theo quy chế Rome của Tòa án hình sự quốc tế".
Báo cáo được công bố trong bối cảnh ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, Israel đang đẩy nhanh nỗ lực chia cắt Dải Gaza thành hai vùng đệm và đang xây dựng cơ sở hạ tầng mới để hỗ trợ sự hiện diện quân sự lâu dài, với tốc độ phá dỡ và hủy diệt ngày càng nhanh.
Người dân ở phía bắc Gaza cho biết, lực lượng Israel đang bao vây các gia đình phải di dời và số dân còn lại, ước tính khoảng vài nghìn người, ra lệnh cho họ đi về phía nam qua một trạm kiểm soát ngăn cách hai thị trấn và một trại tị nạn với Thành phố Gaza.
Người dân và bác sĩ Palestine cho biết, những người đàn ông bị bắt giữ để thẩm vấn, trong khi phụ nữ và trẻ em được phép tiếp tục đi về phía Thành phố Gaza.
HRW kêu gọi Tòa án hình sự quốc tế điều tra chính sách di dời cưỡng bức của Israel, đồng thời thúc giục áp dụng các lệnh trừng phạt có mục tiêu đối với Israel, bao gồm cả việc ngừng bán vũ khí.
Báo cáo của tổ chức nhân quyền quốc tế nổi tiếng có tên 'Vô vọng, đói khát và bị bao vây: Israel cưỡng ép di dời người dân Palestine ở Gaza', nhắm vào một trong những chính sách gây tranh cãi nhất của Israel, đó là sử dụng lệnh sơ tán, dẫn đến tình trạng di dời hàng loạt bên trong Gaza, và nhiều người phải di dời nhiều lần.
Điều đó đã dẫn đến việc di dời hơn 90% dân số - 1,9 triệu người Palestine - và sự tàn phá trên diện rộng ở phần lớn Gaza trong 13 tháng qua.
Theo luật pháp quốc tế, Israel – với tư cách là thế lực chiếm đóng ở Gaza – có nghĩa vụ pháp lý phải tạo điều kiện cho những người phải di dời trở về nhà của họ ở những khu vực đã chấm dứt giao tranh.
Thay vào đó, các báo cáo cho biết, Israel đã "biến nhiều khu vực rộng lớn ở Gaza thành nơi không thể ở được" bằng cách tiến hành phá dỡ, cố ý phá hủy hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở hạ tầng dân sự, bao gồm trường học và các tổ chức tôn giáo và văn hóa, ngay cả sau khi các hoạt động thù địch phần lớn đã chấm dứt ở một khu vực.
HRW cho biết thêm rằng, việc di dời vĩnh viễn dân thường để tạo ra vùng đệm quân sự trong Dải Gaza cũng sẽ tương đương với hành động thanh trừng sắc tộc.