Israel và Hezbollah cáo buộc nhau làm gián đoạn lệnh ngừng bắn

VOH - Ngày 28/11, truyền thông nhà nước và các nguồn tin an ninh Liban cho biết quân đội Israel đã triển khai xe tăng bắn vào sáu khu vực ở miền Nam Liban, nằm trong phạm vi 2 km của Đường Xanh.

Đây là biên giới phân định giữa Liban và Israel. Vụ tấn công đã khiến ít nhất hai người bị thương.

Nghị sĩ Liban, ông Hassan Fadlallah đã lên án hành động này, cáo buộc quân đội Israel tấn công vào những người dân đang trở về nhà sau khi được sơ tán do các cuộc giao tranh trước đó.

Xe tăng của quân đội Israel   AFP

Trong khi đó, quân đội Israel (IDF) cho biết lệnh ngừng bắn đã bị vi phạm, khi các xe ô tô chở "một số đối tượng tình nghi" xuất hiện tại các khu vực miền Nam Liban. Trước đó, IDF đã cảnh báo người dân các thị trấn dọc biên giới không nên trở lại vì lý do an ninh, dù lệnh ngừng bắn đã có hiệu lực.

Lệnh ngừng bắn này giữa Israel và nhóm vũ trang Hezbollah của Liban có hiệu lực từ ngày 27/11, sau một thỏa thuận do Mỹ và Pháp làm trung gian. Thỏa thuận này nhằm tạo điều kiện cho người dân ở các khu vực biên giới trở về sau 14 tháng giao tranh khốc liệt. Các điều khoản của lệnh ngừng bắn yêu cầu lực lượng Israel rút quân khỏi miền Nam Liban trong vòng 60 ngày, đồng thời không bên nào được tiến hành các hoạt động tấn công.

Trước đó, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo, ông Tom Fletcher, đã cho rằng đây là cơ hội lớn để chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo kéo dài và tàn khốc nhất trong một thế hệ. Khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, các tổ chức nhân đạo đã khẩn trương cung cấp hỗ trợ cho người dân trong khu vực.

Trong ngày đầu tiên của lệnh ngừng bắn, dù thời tiết không thuận lợi, 11 xe tải của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã chuyển hàng cứu trợ khẩn cấp tới hơn 3.000 người ở Baalbek, bao gồm chăn, nệm, áo khoác mùa đông và đèn năng lượng mặt trời. Theo UNHCR, ngay sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, hàng nghìn người dân miền Nam Liban và các khu vực lân cận đã bắt đầu trở về nhà sau nhiều tháng phải di dời.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng tiếp tục cung cấp hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em và người chăm sóc bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc xung đột. Giám đốc Điều hành UNICEF, bà Catherine Russell, nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì hòa bình và bảo vệ an toàn cho trẻ em và gia đình, giúp họ trở về cộng đồng của mình.

Tuy nhiên, nhu cầu viện trợ nhân đạo tại Liban vẫn rất lớn và chưa có dấu hiệu giảm. Liên hợp quốc và các đối tác nhân đạo đang yêu cầu sự tiếp cận nhanh chóng và an toàn để có thể giúp đỡ những người dân đang cần cứu trợ tại khu vực này.

Bình luận