Được trang bị radar mạnh mẽ của hãng Lockheed Martin, hệ thống phòng thủ Aegis Ashore của Nhật có nhiệm vụ đánh chặn các vụ không kích tên lửa từ Triều Tiên hay bất cứ đâu. Hồi tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Taro Kono đã hoãn hai kế hoạch xây dựng hai căn cứ phòng thủ gắn hệ thống này, có chi phí xây dựng vào khoảng 2 tỷ USD, dẫn lý do rằng có khả năng các quả tên lửa bị đẩy ra sẽ rơi vào khu vực sống của cư dân địa phương. Thay vào đó, ông đề xuất lắp đặt hệ thống trên các giàn khoan hoặc tàu biển.
Các quan chức Bộ Quốc phòng đang xem xét một số đề xuất, bao gồm đặt Aegis trên các giàn khoan giống như giàn khoan dầu, hoặc trên các tàu buôn hoặc tàu hải quân đã được hoán cải. Người kế nhiệm Kono, Nobuo Kishi, cho biết ông sẽ đưa ra quyết định về tương lai của Aegis Ashore vào cuối năm nay.
Việc đình chỉ triển khai và mức chi phí tăng cao có thể khơi dậy sự ủng hộ cho một kế hoạch xây dựng căn cứ trong đất liền, khi nền tài chính công của Nhật Bản đang căng thẳng bởi nợ nần chồng chất do chi tiêu viện trợ kinh tế khổng lồ do đại dịch COVID-19 gây ra.
Một quan chức Bộ Quốc phòng cho biết ông không biết về ước tính chi phí và thời gian mới cho việc phòng thủ tên lửa trên biển. Các khẩu đội Aegis Ashore trên đất liền dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2025.
Quan chức nắm kế hoạch cho biết thêm một vài trong số các đề xuất cho các kế hoạch xây dựng căn cứ phòng thủ có thể tốn tới hơn 4 tỷ USD cho mỗi đề xuất, không bao gồm tiền cho tên lửa đánh chặn và phí điều hành, có thể vượt qua cả mức phi điều hành của các trạm mặt đất vì lý do nhiên liệu, bảo trì và số lượng nhân viên vận hành nhiều hơn.
Quan chức trên cung cấp thông tin với điều kiện giấu tên vì lý do độ nhạy cảm của kế hoạch.
Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, một tàu khu trục nếu được lắp đặt hệ thống phòng thủ Aegis Shore sẽ có khoảng 300 thủy thủ, gấp khoảng 10 lần số người cần thiết cho một khu vực đất liền.
Được trang bị tên lửa đánh chặn được thiết kế để đánh đầu đạn trong không gian, radar Lockheed Martin SPY-7 của Aegis Ashore có tầm bắn ít nhất gấp ba lần so với các radar Aegis cũ đã có trên tàu chiến Nhật Bản.
Năm 2019, Nhật Bản lần đầu tiên đã đưa Trung Quốc vào danh sách các mối đe dọa chính, chỉ ra rằng Bắc Kinh đang tăng chi tiêu quốc phòng và các hoạt động quân sự.. Nhật cũng bày tỏ quan ngại về sự trỗi dậy các hoạt động của Nga quanh Nhật Bản.
Mặc dù Nhật Bản thường trả tiền cho các dự án quân sự lớn do Mỹ xây dựng thông qua chương trình Tài chính quân sự cho nước ngoài của chính phủ Mỹ, nhưng Nhật đang mua SPY-7 trực tiếp từ Lockheed và đã thanh toán một nửa hợp đồng 300 triệu USD.
Khả năng Aegis Ashore đóng trên biển đã thúc đẩy Raytheon Technologies, công ty đã mất hợp đồng với Lockheed vào năm 2018, quảng cáo radar SPY-6 cho Nhật Bản.
Các quan chức Bộ Quốc phòng cho biết họ thích SPY-7 hơn. Nhưng một số nhà lập pháp có ảnh hưởng từ Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Nhật Bản, chẳng hạn như cựu Thứ trưởng Quốc phòng và Thứ trưởng Ngoại giao Masahisa Sato, lại ủng hộ SPY-6 vì Hải quân Mỹ có kế hoạch sử dụng nó trên các tàu khu trục Aegis Ashore mới.