Úc sẽ là một trong những quốc gia đầu tiên đổ chuông vào năm 2021 vì vị trí gần với Đường đổi ngày quốc tế. Trong những năm trước, 1 triệu người đã tập trung tại bến cảng của Sydney để xem pháo hoa ở trung tâm Cầu Cảng Sydney.
Các nhà chức trách năm nay đang khuyên những người muốn ra ngoài vui chơi nên xem trên truyền hình. Mọi người chỉ được phép vào trung tâm thành phố Sydney nếu họ đã đặt trước nhà hàng hoặc là một trong năm khách mời của một cư dân tại chung cư nội thành. Mọi người sẽ không được phép vào trung tâm thành phố nếu không có giấy phép.
Một số nhà hàng bên bến cảng nâng phí lên 1.690 đô la Úc (1.294 USD) cho một chỗ ngồi, tờ The Daily Telegraph của Sydney đưa tin hôm thứ Tư. Sydney là thành phố đông dân nhất của Úc và có số ca COVID-19 lây nhiễm cộng đồng cao nhất trong vài tuần trở lại đây. Thành phố đông dân thứ hai Melbourne thì đã hủy bỏ việc bắn pháo hoa.
New Zealand, là nơi đi trước Sydney hai tiếng, và một vài đảo quốc láng giềng tại Nam Thái Bình Dương chưa có trường hợp COVID-19, thì ăn mừng Năm Mới vẫn diễn ra như thông lệ.
Đối với người Trung Quốc, lễ mừng Năm Mới âm lịch rơi vào tháng 2/2021 thường được ưu tiên hơn Năm Mới dương lịch (1/1). Trong khi các ngày lễ của phương Tây đã trở nên phổ biến hơn trong vài thập kỷ gần đây, thì năm nay mọi thứ sẽ diễn ra lặng lẽ hơn.
Bắc Kinh sẽ tổ chức lễ đếm ngược chỉ với một vài khách mời, trong khi các sự kiện khác đã được lên kế hoạch đã bị hủy bỏ. Và nhiệt độ ban đêm giảm xuống -15 độ C có thể sẽ không khuyến khích mọi người đi chơi qua đêm với bạn bè.
Đài Loan sẽ tổ chức lễ mừng Năm Mới theo thông lệ, với màn bắn pháo hoa trên ngọn tháp biểu tượng của thành phố thủ đô, tháp Taipei 101, cũng như lễ thượng cờ phía trước Tòa nhà Văn phòng Tổng thống vào sáng 1/1. Đảo quốc này là một câu chuyện thành công trong giai đoạn đại dịch khi chỉ ghi nhận 7 ca tử vong và 700 ca xác nhận nhiễm COVID-19.
Hong Kong trước đây thường tổ chức các hoạt động ăn mừng náo nhiệt dọc theo bờ sông và các khu phố tập trung các quán bar. Tuy nhiên, hoạt động bắn pháo hoa Đêm Giao Thừa vừa bị hủy bỏ, năm nay là do đại dịch virus corona chứ không còn vì mối quan ngại an ninh công cộng.
Vẫn đang vất vả với sự bùng phát virus corona, các quy định giãn cách xã hội của Hong Kong hạn chế các cuộc tụ tập xuống chỉ còn hai người. Các nhà hàng phải đóng cửa lúc 18h. Các buổi trình diễn trực tiếp và nhảy múa đều không được cho phép. Nhưng tại các khu mua sắm vẫn còn tập trung nhiều người.
Ở Nhật Bản, một số người đã bỏ qua cơ hội để trở về nhà tổ tiên trong những ngày nghỉ lễ năm mới, với hy vọng giảm bớt rủi ro về sức khỏe cho các gia đình họ hàng giữa đại dịch COVID-19.
Các nhà hàng nông thôn chứng kiến hoạt động kinh doanh sụt giảm, trong khi việc giao hàng tận nhà món ăn “chúc may mắn” trong ngày Tết cổ truyền gọi là “osechi” bùng nổ.
Nhật Hoàng Naruhito đang chuyển một thông điệp video cho năm mới, thay cho việc vẫy chào người dân từ cửa sổ cung điện với thành viên gia đình hoàng gia.
Dịch vụ tàu lửa thường phục vụ chở người đến thăm các đền thờ trong đêm khuya ngày 31/12 cùng các lễ hội đếm ngược đã bị hủy bỏ.
Đền Meiji tại trung tâm Tokyo, nơi thu hút hàng triệu người viếng thăm hàng năm dịp Năm Mới và thường mở cửa suốt đêm Giao Thừa, sẽ đóng cửa vào 16h ngày 31/12 năm nay, theo thông tin trên website của điện Meiji.
Còn tại Hàn Quốc, chính quyền thành phố Seoul đã hủy lễ rung chuông đón Giao Thừa, lần đầu tiên sau khi lễ này bắt đầu được tổ chức vào năm 1953.
Các bãi biển phía đông và các điểm khác nơi mọi người thường tụ tập để ngắm bình minh đầu tiên của năm sẽ bị buộc phải đóng cửa. Thành phố Pohang thay vào đó có kế hoạch phát trực tuyến trên kênh YouTube khi mặt trời bắt đầu lên tại một số bãi biển của thành phố.