Theo cả hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc, đây là sự hợp tác mang tính bước ngoặt trong quan hệ kinh tế và ngoại giao giữa Moscow và Bắc Kinh.
Theo đó, điểm bắt đầu của đường dẫn đặc biệt này được đặt tại Nhà máy điện Siberia – một dự án của Moscow trong nỗ lực giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây đối với sự kiện sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014.
Động thái này của Nga cũng cho thấy Trung Quốc hiện đang là đối tác xuất khẩu hàng đầu và là thị trường khổng lồ tiềm năng của Nga ngoài các nước châu Âu. Đây là thời điểm mà Nga cũng đang hy vọng vận hành thành công hai dự án năng lượng khác. Đó là dự án đường dẫn khí đốt sang Đức có tên Nord Steam 2 được đặt ngầm dưới biển Baltic; dự án còn lại là đường dẫn khí sang Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực nam châu Âu có tên TurkStream.
Trở lại với Trung Quốc, đường ống dẫn khí đốt mà Nga và Trung Quốc cùng hợp tác dài đến 3.000km và sẽ vận chuyển khí gas từ vùng Chayandinskoye và Kovytka nằm ở phía đông Siberia. Đây là dự án được kỳ vọng sẽ được vận hành trong vòng 3 thập kỷ và sẽ đem lại cho nước Nga doanh thu khoảng 400 tỷ USD.
Tại Sochi, Tổng thống Nga Putin phát biểu : “Đây thực sự là sự kiện mang tính lịch sử không chỉ đối với thị trường năng lượng toàn cầu mà trên hết là mang ý nghĩa đặc biệt với Nga và Trung Quốc. Bước đi này sẽ đưa hợp tác chiến lược năng lượng giữa Nga và Trung Quốc lên một tầm cao mới, đồng thời giúp chúng ta đạt gần hơn tới mục tiêu đạt kim ngạch thương mại lên 200 tỷ USD giữa hai nước vào năm 2024.”
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc trao đổi qua video với Tổng thống Putin vào hôm nay 2/12 và nhận định đường ống dẫn khí đốt mới này là “dự án mang tính bước ngoặc trong hợp tác năng lượng song phương giữa hai nước, và là ví dụ cho sự hội nhập sâu rộng và lợi ích hợp tác tương hỗ đôi bên cùng có lợi.”
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Sochi và đang giám sát trực tuyến việc vận hành đường ống dẫn khí đốt hợp tác với Trung Quốc ngày 2/12/2019. Ảnh: Reuters
Đường ống dẫn khí đốt sắp đưa vào hoạt động sẽ có điểm giao ở lãnh thổ Trung Quốc tại Hắc Long Giang - nơi có biên giới với Nga, sau đó dẫn vào tỉnh Cát Lâm và Liêu Ninh - trung tâm sản xuất ngũ cốc hàng đầu Trung Quốc.
Sản lượng của đường ống này dự kiến sẽ tăng lên đến 38 tỷ mét khối/năm vào năm 2025 và nếu điều này xảy ra, Trung Quốc sẽ là khách hàng năng lượng lớn thứ hai trên thế giới của Nga (sau Đức với sản lượng 58,5 tỷ mét khối/năm vào năm ngoái).
Mặc dù vậy, giá thành mà phía Trung Quốc phải trả cho Nga trong dự án đường ống dẫn khí đốt lần này vẫn là một điều bí mật mà theo nhiều chuyên gia, điều này còn phụ thuộc vào lượng cung - cầu và sự lên xuống của thị trường năng lượng thế giới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một hội nghị ở Brazil ngày 13/11/2019. Ảnh: Reuters
Moscow đã bắt đầu cung cấp khí đốt thiên nhiên cho các nước Tây và Trung Âu từ những năm 1950 và từ đó cho đến nay, các nước châu Âu vẫn là khách hàng chủ yếu của gã khổng lồ về năng lượng của Nga Gazprom với lượng cung hàng năm khoảng 200 tỷ mét khối. Đây là tập đoàn lớn nhất nước Nga và chịu sự quản lý của Điện Kremlin. Ngoài lượng dự trữ khí đốt và mạng lưới ống dẫn dầu dài nhất thế giới (150.000 km), Gazprom cũng quản lý tài sản trong các ngành ngân hàng, bảo hiểm, truyền thông, xây dựng và nông nghiệp.