Tình hình an ninh bất ổn khiến nhiều khu vực ở Syria gặp khó khăn trong việc triển khai các hoạt động nhân đạo. Liên hợp quốc và các đối tác quốc tế vẫn tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ trong phạm vi có thể với các hoạt động diễn ra chủ yếu ở các thành phố Damascus, Tartous, Latakia và Raqqa.
OCHA cũng ghi nhận tình trạng thiếu bột mỳ và nhiên liệu ở phía Tây Bắc Syria, đặc biệt là tại Aleppo khiến các tiệm bánh phải đóng cửa, nguồn cung rau bị hạn chế và một số khu phố gặp tình trạng mất điện.
Đặc biệt, các cuộc giao tranh gần Đập Tishreen ở tỉnh Aleppo đã làm gián đoạn điện cung cấp cho hơn 400.000 người, ảnh hưởng đến việc tiếp cận nước và các dịch vụ thiết yếu. Giá nhiên liệu vẫn ở mức cao, đẩy người dân vào cảnh khốn cùng.
Mặc dù tình hình khó khăn, Liên hợp quốc và các đối tác đã cung cấp thực phẩm cho hơn 700.000 người ở Tây Bắc Syria kể từ khi căng thẳng gia tăng vào cuối tháng 11.
Tuy nhiên, việc tiếp cận các khu vực Đông Bắc Syria vẫn gặp nhiều thách thức do các trạm kiểm soát hạn chế di chuyển, đặc biệt tại các thành phố Raqqa, Tabqa, Hassakeh và Derik, nơi liên tục ghi nhận tình trạng cướp bóc.
Tại các trung tâm tạm trú, hơn 40.000 người di dời đang nương náu, trong khi các tổ chức nhân đạo cung cấp thực phẩm, bộ dụng cụ vệ sinh và hỗ trợ tâm lý xã hội cho cả trẻ em lẫn người trưởng thành.
Trong một diễn biến đáng chú ý khác, chính quyền lâm thời Syria thông báo các cơ sở giáo dục công và tư sẽ mở cửa trở lại vào ngày 15/12 sau một thời gian gián đoạn. Điều này được xem là một bước quan trọng trong việc ổn định lại cuộc sống và giúp đỡ người dân Syria, đặc biệt là thế hệ trẻ, phục hồi sau những tác động nặng nề của xung đột kéo dài.