Kinh tế Đức đối mặt nguy cơ đình trệ kéo dài giữa căng thẳng thương mại toàn cầu

ĐỨC - Nền kinh tế Đức – đầu tàu của châu Âu – đang có nguy cơ rơi vào tình trạng trì trệ trong năm 2025, giữa lúc chịu sức ép kép từ chính sách thuế quan của Mỹ và những thách thức nội tại.

Theo báo cáo mới nhất từ Hội đồng Cố vấn Kinh tế độc lập của Chính phủ Liên bang Đức, GDP nước này sẽ không tăng trưởng trong năm nay, trước khi hồi phục nhẹ với mức tăng 1% vào năm 2026.

Đây là một sự điều chỉnh đáng kể so với dự báo tăng trưởng 0,4% được công bố hồi tháng 11/2024.

Kể từ năm 2020, kinh tế Đức gần như không ghi nhận bất kỳ tăng trưởng đáng kể nào. Đặc biệt, GDP đã giảm hai năm liên tiếp, làm dấy lên lo ngại về khả năng Đức rơi vào “thập kỷ mất mát” nếu không có các biện pháp cải tổ mạnh mẽ.

Thủ tướng mới nhậm chức Friedrich Merz, lên nắm quyền từ ngày 6/5, cam kết sẽ thúc đẩy cải cách hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải thiện môi trường kinh doanh và xúc tiến các hiệp định thương mại tự do của EU.

Đây được xem là những biện pháp then chốt nhằm khơi thông động lực tăng trưởng đang bị kìm hãm.

Tuy nhiên, rủi ro bên ngoài – đặc biệt từ chính sách thuế quan cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump – đang phủ bóng lên triển vọng phục hồi của nền kinh tế Đức.

“Chính sách thuế quan của ông Trump đang làm gia tăng bất ổn và gây nguy hiểm cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu,” bà Monika Schnitzer, Chủ tịch hội đồng cố vấn, cảnh báo.

Một thách thức lớn khác là sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ từ các doanh nghiệp Trung Quốc – đặc biệt trong lĩnh vực xe điện và công nghệ cao – khiến vị thế xuất khẩu truyền thống của Đức trong ngành ôtô và máy móc công nghiệp bị lung lay.

mua sắm siêu thị nước ngoài người tiêu dùng giá cả tăng lạm phát chỉ số tiêu dùng

Năm ngoái, Mỹ đã vượt Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức lần đầu tiên kể từ năm 2015.

Điều này phản ánh xu hướng điều chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời cũng đặt ra bài toán cân bằng lợi ích giữa các thị trường xuất khẩu lớn.

Dù vậy, các chuyên gia kinh tế lạc quan rằng gói đầu tư quy mô lớn vào hạ tầng do chính phủ Merz đề xuất sẽ là điểm tựa quan trọng giúp nền kinh tế Đức thoát khỏi tình trạng trì trệ nếu được triển khai hiệu quả.

Trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng, tương lai của nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang phụ thuộc nhiều vào khả năng tự đổi mới – cả về chính sách trong nước lẫn khả năng thích ứng với môi trường kinh tế toàn cầu đang biến động mạnh mẽ.

Bình luận