Các tay súng đã nổ súng bằng vào những người tham dự buổi hòa nhạc hơn một tuần trước gần Moscow (Nga) khiến ít nhất 144 người thiệt mạng.
4 trong số các tay súng bị nghi ngờ là công dân Tajik và đã bị bắt cùng với 7 nghi phạm khác, một số người trong số họ cũng đến từ quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô cũ.
"Chúng tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi. Rất có thể đây không phải là những lời phàn nàn về việc quấy rối mà là nỗi sợ hãi của công dân chúng tôi, sự hoảng loạn, nhiều người muốn rời đi. Chúng tôi hiện đang theo dõi tình hình, số người đến (Tajikistan) nhiều hơn là rời đi" - Shakhnoza Nodiri, một lãnh đạo Bộ Lao động, Di cư và Việc làm Tajikistan, được hãng thông tấn nhà nước Nga TASS dẫn lời cho biết.
Một nguồn tin an ninh nói với Reuters rằng, Tajikistan đã bắt giữ 9 người trong tuần này bị nghi ngờ có liên quan đến vụ xả súng hàng loạt và cả nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm.
Anton Glushkov, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xây dựng quốc gia (NOSTROY) cho biết, tình trạng thiếu lao động trong nền kinh tế Nga có thể còn trở nên tồi tệ hơn do dòng lao động nhập cư tràn ra ngoài, với mức thâm hụt trong ngành xây dựng tăng 36% trong năm nay so với năm 2022.
Ngân hàng Trung ương Nga cho biết, tình trạng thiếu lao động dẫn đến tiền lương tăng vọt là một trong những rủi ro đối với lạm phát, buộc họ phải giữ lãi suất cơ bản ở mức cao.
Truyền thông Mỹ cho biết, vụ khủng bố dường như đang gây ra làn sóng bài ngoại với người lao động nhập cư Tajikistan tại Nga. Một số bài đăng trên mạng xã hội cho thấy người dân Nga yêu cầu hủy chuyến taxi khi biết tài xế là công dân Tajikistan.
Người nhập cư từ các nước Trung Á, gồm Tajikistan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Turkmenistan và Kazakhstan, từ lâu là nguồn lao động giá rẻ quan trọng với Nga. Họ thường đảm nhiệm các công việc mà nhiều người dân sở tại không muốn làm, như lái xe taxi hay nhân viên siêu thị.
Số tiền mà họ gửi về quê nhà dưới dạng kiều hối cũng là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng của các nước Trung Á.