Chờ...

Lãnh đạo giáo phái Kenya ra tòa vì tội khủng bố sau vụ 400 người chết đói

VOH - Người đứng đầu một giáo phái tận thế ở Kenya đã phải ra hầu tòa vì tội khủng bố sau cái chết của hơn 400 tín đồ trong một vụ án rùng rợn gây chấn động thế giới.

Mục sư tự xưng Paul Nthenge Mackenzie đã ra hầu tòa tại thành phố cảng Mombasa ở Ấn Độ Dương cùng với 94 bị cáo đồng phạm.

Các nhà báo đã được đưa ra khỏi phòng xử án ngay sau khi phiên điều trần bắt đầu để một nhân chứng có thể lên làm chứng.

muc-su-tu-xung-080724
Mục sư tự xưng Paul Nthenge Mackenzie bị cáo buộc đã kích động các giáo dân chết đói để 'gặp Chúa Jesus' - Ảnh: AFP

Mackenzie bị bắt vào tháng 4/2023 và bị cáo buộc đã xúi giục các tín đồ của mình chết đói để "gặp Chúa Jesus". Người này cùng đồng phạm đều không nhận tội khủng bố tại phiên tòa diễn ra vào tháng 1/2024.

Các bị cáo phải đối mặt với các cáo buộc giết người, ngộ sát, bắt cóc, tra tấn và ngược đãi trẻ em trong các vụ án riêng biệt.

Cho đến nay, hài cốt của hơn 440 người đã được khai quật tại một vùng đất hoang vu nằm sâu trong đất liền của thị trấn ven biển Malindi thuộc Ấn Độ Dương - vụ án được mệnh danh là "vụ thảm sát rừng Shakahola".

Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, dù đói dường như là nguyên nhân chính gây tử vong, nhưng một số nạn nhân - bao gồm cả trẻ em - đã bị bóp cổ, đánh đập hoặc ngạt thở.

Các tài liệu tòa án trước đây cũng cho biết một số thi thể đã bị lấy mất nội tạng.

Vào tháng 3, chính quyền bắt đầu trả lại một số thi thể nạn nhân cho người thân của họ sau nhiều tháng nỗ lực xác định danh tính bằng ADN.

Người ta đã đặt ra câu hỏi về cách mà Mackenzie, một mục sư tự xưng với tiền sử theo chủ nghĩa cực đoan, có thể trốn tránh pháp luật dù ông ta có địa vị nổi bật và từng bị kiện trước đây.

Bộ trưởng Nội vụ Kithure Kindiki phát biểu tại phiên điều trần của Ủy ban thượng viện: “Vụ thảm sát Shakahola là vụ vi phạm an ninh tồi tệ nhất trong lịch sử đất nước chúng ta”, ông đồng thời cam kết sẽ “không ngừng thúc đẩy cải cách pháp lý để chế ngự những nhà thuyết giáo bất hảo”.

Vào tháng 3/2024, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Kenya chỉ trích các nhân viên an ninh ở Malindi vì "lơ là nhiệm vụ và thiếu trách nhiệm".