Lãnh đạo Việt Nam gửi điện chia buồn và đến viếng ông Giang Trạch Dân tại Đại sứ quán Trung Quốc

(VOH) - Các lãnh đạo Việt Nam hôm nay gửi điện chia buồn sau khi cựu chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân qua đời ở tuổi 96, đồng thời đến viếng và chia buồn tại Đại sứ quán Trung Quốc.

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hôm nay đã gửi điện chia buồn tới các lãnh đạo Trung Quốc và gia đình ông Giang Trạch Dân.

Trong điện chia buồn, các lãnh đạo Việt Nam cho rằng ông Giang Trạch Dân đã có nhiều công lao đối với sự nghiệp cách mạng và xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, đóng góp quan trọng cho việc bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ Việt - Trung phát triển.

Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cá nhân các lãnh đạo cũng đã gửi vòng hoa viếng tới Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội.

Đoàn đại biểu do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu, cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và lãnh đạo một số cơ quan đã đến viếng và ghi sổ tang chia buồn tại Đại sứ quán Trung Quốc.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và lãnh đạo một số cơ quan đã đến viếng và ghi sổ tang chia buồn tại Đại sứ quán Trung Quốc. (Ảnh: Đại sứ quán Trung Quốc)

Ông Giang Trạch Dân qua đời hôm 30/11 ở tuổi 96 tại phố Thượng Hải. Ông trở thành lãnh đạo Trung Quốc năm 1989, khi nước này đang trong giai đoạn đầu của quá trình hiện đại hóa kinh tế.

Ông là cốt lõi của thế hệ lãnh đạo tập thể thứ ba của Đảng Cộng sản Trung Quốc và là người sáng lập chính của Thuyết Ba đại diện.

Xem thêm: Dấu ấn Giang Trạch Dân với thuyết "Ba đại diện" của Trung Quốc

Ông Giang Trạch Dân
Ông Giang Trạch Dân được đánh giá là nhà lãnh đạo kiệt xuất của sự nghiệp vĩ đại chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Ông Giang Trạch Dân chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc trong 13 năm (1989-2002) và chức Chủ tịch Trung Quốc trong 10 năm (1993-2003). Từ năm 1989-2004, ông giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Dưới sự lãnh đạo của ông, Trung Quốc đã trải qua thời kỳ phát triển bền vững với một loạt cải cách, thu hồi Hong Kong từ Anh và Macau từ Bồ Đào Nha. Vào thời điểm ông nghỉ hưu năm 2003, Trung Quốc đã là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), giành quyền đăng cai Thế vận hội 2008 và trên đường trở thành siêu cường.