Lầu Năm Góc cảnh báo nguy cơ tàu ngầm Trung Quốc ở Bắc Cực

(VOH) - Lầu Năm Góc cảnh báo nguy cơ Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự, bao gồm triển khai tàu ngầm, tại vùng Bắc Cực.

Cảnh báo này được đưa vào trong báo cáo thường niên của quân đội Mỹ trình trước Quốc hội về lực lượng vũ trang Trung Quốc và theo sau việc Bắc Kinh phát hành sách trắng chính sách Bắc Cực đầu tiên vào tháng 6. Trong đó, Trung Quốc đã vạch ra kế hoạch phát triển các đường vận tải hàng hải để hình thành “Con đường Tơ lụa vùng Cực” dựa trên sáng kiến Vành đai & Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Trung Quốc, dù không phải là một quốc gia vùng Bắc Cực, đang ngày càng tăng cường hoạt động trong khu vực này và đã trở thành một thành viên quan sát của Hội đồng Bắc Cực kể từ năm 2013. Điều này gây quan ngại cho các quốc gia vùng Bắc Cực về những mục tiêu chiến lược dài hạn của Bắc Kinh, bao gầm cả việc triển khai quân sự.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ tham dự cuộc họp của Hội đồng Bắc Cực bao gồm 8 quốc gia ở thành phố Rovaniemi (Phần Lan) vào thứ Hai tới, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về sự gia tăng lợi ích thương mại của Trung Quốc ở Bắc Cực.

Lầu Năm Góc cảnh báo nguy cơ tàu ngầm Trung Quốc ở Bắc Cực

Hình ảnh Lầu Năm Góc chụp từ chuyên cơ Air Force One ngày 29/3/2019 (Ảnh: Reuters)

Lầu Năm Góc cũng nhắc đến quan ngại của Đan Mạch về việc Trung Quốc đề xuất thiết lập trung tâm nghiên cứu, trạm vệ tinh mặt đất, nâng cấp sân bay và mở rộng khai thác mỏ tại Greenland. Greenland là quốc gia tự trị thuộc Đan Mạch ở vùng Bắc Cực.

Báo cáo của Lầu Năm Góc cũng chỉ ra rằng quân đội Trung Quốc đã đưa việc hiện đại hóa đội tàu ngầm thành một ưu tiên cao và dự đoán hạm đội này có thể sẽ tăng lên khoảng 65 tới 70 chiếc trước năm 2020.

Lầu Năm Góc cảnh báo nguy cơ tàu ngầm Trung Quốc ở Bắc Cực

Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân tham gia diễu hành ngoài khơi thành phố cảng Thanh Đảo vào dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Lực lượng hải quân Trung Quốc, ngày 23/4/2019 (Ảnh: Reuters)

Việc mở rộng lực lượng tàu ngầm Trung Quốc chỉ là một phần trong công cuộc hiện đại hóa quân đội một cách rộng rãi và tốn kém mà giới chuyên gia Mỹ cho rằng chủ yếu nhằm đối phó với bất kỳ hành động quân sự nào từ Mỹ.

Mặc dù ngân sách quốc phòng chính thức của Bắc Kinh cho 2018 là 175 tỉ USD, Lầu Năm Góc ước tính con số đó thật sự lên tới 200 tỉ USD bao gồm cả nghiên cứu, phát triển, mua sắm vũ khí nước ngoài. Bộ Quốc phòng Mỹ dự đoán ngân sách quốc phòng chính thức của Trung Quốc có thể sẽ là 260 tỷ USD vào năm 2022.

Về phần mình, Mỹ cùng các đồng minh đang mở rộng triển khai các hoạt động hải quân chống tàu ngầm trên khắp khu vực Đông Á, bao gồm tăng cường tuần tra bằng các máy bay săn ngầm tiên tiến P-8 Poseidon ở Singapore và Nhật Bản.