Theo ông Pedersen, tình trạng các cuộc tấn công của Israel vào Syria vẫn tiếp tục diễn ra, gây thêm căng thẳng cho một quốc gia vốn đang chìm trong nội chiến kéo dài suốt hơn một thập kỷ.
Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), kể từ khi Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ, Israel đã thực hiện hơn 300 cuộc không kích vào Syria, chủ yếu nhắm vào các cơ sở quân sự và các mục tiêu chiến lược.
Israel đã tiến hành các cuộc không kích liên tục vào Syria kể từ khi cuộc nội chiến bùng phát vào năm 2011, với mục tiêu ngăn chặn vũ khí chiến lược và ảnh hưởng của các nhóm vũ trang đối với an ninh của Israel.
Ông Geir Pedersen cũng nhấn mạnh rằng việc tiếp tục các hành động quân sự sẽ làm xói mòn khả năng đạt được một chuyển giao chính trị tại Syria. Theo ông, các thỏa thuận chuyển tiếp cần phải bao gồm tất cả các bên liên quan, với sự tham gia của nhiều thành phần xã hội nếu không sẽ chỉ tạo ra thêm xung đột và phân cực trong xã hội Syria.
Về phía Israel, quân đội nước này khẳng định họ không can thiệp vào Syria ngoài việc bảo vệ biên giới và ngăn chặn các mối đe dọa từ các nhóm vũ trang.
Người phát ngôn của quân đội Israel Nadav Shoshani cho biết các lực lượng của Israel vẫn chỉ hoạt động trong khu phi quân sự giữa Syria và Cao nguyên Golan, nơi Israel đã chiếm đóng.
Ông cũng bác bỏ các thông tin cho rằng quân đội Israel đã tiến về Damascus, nhấn mạnh rằng điều này không phải là mục tiêu của Israel.
Tình hình ở Syria ngày càng trở nên căng thẳng và bất ổn với hơn 500.000 người chết và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Liên Hiệp Quốc cũng bày tỏ quan ngại về vấn đề hồi hương người tị nạn Syria. Quan chức của Liên Hiệp Quốc kêu gọi các quốc gia cần thận trọng khi xem xét vấn đề này, bởi tình hình ở Syria vẫn chưa ổn định, đặc biệt là khu vực Đông Bắc, nơi các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn. Hồi hương trong bối cảnh này có thể làm gia tăng nguy cơ bạo lực và bất ổn cho những người tị nạn trở về.
Về phía các quốc gia châu Âu, sau khi Anh, Đức, Pháp, Italy và Thụy Sĩ đình chỉ việc xem xét tị nạn cho người Syria, Áo cam kết hỗ trợ người Syria muốn hồi hương. Thủ tướng Áo Karl Nehammer thông báo nước này sẽ giúp đỡ những người Syria muốn trở về quê hương.
Tuy nhiên, quyết định này vấp phải sự chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền và cộng đồng quốc tế, khi tình hình ở Syria vẫn còn quá nguy hiểm đối với người dân.