Theo UNRWA, các cơ quan Liên hợp quốc đã dẫn đầu phái đoàn đánh giá tình hình tại Khan Yunis sau khi lực lượng Israel rút khỏi thành phố này tuần trước.
Kết quả cho thấy có nguy cơ đáng kể về an toàn do xuất hiện vật liệu chưa nổ, trong đó có những quả bom nặng hơn 450kg bên trong trường học và trên đường.
UNRWA nhấn mạnh hàng ngàn người sơ tán tại Gaza cần một loạt sự hỗ trợ khẩn cấp như thực phẩm, y tế, nước sạch và vệ sinh.
Đầu tháng 4, Liên hợp quốc cho biết Dải Gaza sẽ mất hàng triệu USD và nhiều năm mới có thể xử lý vấn đề ô nhiễm do bom mìn chưa nổ.
Trong một tuyên bố, người đứng đầu Cơ quan Hành động bom mìn Liên hợp quốc Charles Birch lưu ý các chuyên gia ước tính cần khoảng 45 triệu USD để bắt đầu khắc phục hậu quả bom mìn, giải phóng đất đai tại Gaza.
Văn phòng Nhân quyền Liên hợp quốc cùng ngày 16/4 cáo buộc Israel vẫn áp đặt các biện pháp hạn chế “bất hợp pháp” đối với viện trợ nhân đạo cho Gaza, trong khi Israel nói rằng những biện pháp này đã được nới lỏng.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva, người phát ngôn Văn phòng Nhân quyền Liên hợp quốc Ravina Shamdasani cho biết: “Israel tiếp tục áp đặt các biện pháp hạn chế bất hợp pháp đối với hoạt động nhập cảnh và phân phối viện trợ nhân đạo, cũng như tiến hành phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự trên diện rộng”.
Số lượng hàng viện trợ thực tế được đưa vào Gaza đang là vấn đề gây tranh cãi.
Israel và Mỹ cho biết dòng viện trợ đã tăng lên trong những ngày gần đây nhưng các cơ quan của Liên hợp quốc đánh giá số hàng viện trợ này vẫn thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu cần thiết để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của người dân Gaza.