Liên Hợp Quốc thông qua quy trình bỏ phiếu mới cho thời kỳ dịch COVID-19

(VOH) – Cuộc bầu cử Hội đồng Bảo an đã được lên kế hoạch vào ngày 17/6 nhưng vẫn chưa rõ lịch này có còn được giữ nguyên hay không.

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vừa phê chuẩn quy trình bỏ phiếu mới hôm 29/5 cho kỳ bỏ phiếu chọn thành viên mới cho Hội đồng bảo an sắp tới, trong giai đoạn dịch COVID-19.

Thay vì gặp mặt nhau trong phòng họp của hội đồng tại trụ sở chính của Liên Hợp Quốc tại New York, đại sứ của 193 quốc gia thành viên sẽ bỏ phiếu kín tại một địa điểm được chỉ định trong các khoảng thời gian cách nhau. Và họ sẽ bỏ phiếu không chỉ cho năm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an để phục vụ nhiệm kỳ hai năm mà còn cho 18 thành viên mới của Hội đồng Kinh tế và Xã hội gồm 54 quốc gia để phục vụ nhiệm kỳ ba năm.

Một cuộc họp của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.

Một cuộc họp của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Ảnh: AFP

Theo thủ tục mới, chủ tịch của Đại hội đồng sẽ gửi thư cho tất cả các quốc gia thành viên ít nhất 10 ngày làm việc trước vòng bỏ phiếu kín đầu tiên cho hai cuộc bầu cử để thông báo cho họ về ngày, địa điểm nên bỏ phiếu bầu, và các thông tin liên quan khác.

Cuộc bầu cử Hội đồng Bảo an đã được lên kế hoạch vào ngày 17/6 nhưng vẫn chưa rõ lịch này có còn được giữ nguyên hay không.

Hội đồng bảo an hiện tại bao gồm 5 thành viên thường trực là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp, và 10 thành viên được bầu chọn bởi Đại hội đồng cho một nhiệm kỳ 2 năm. 

Hội đồng là cơ quan quyền lực nhất của Liên Hợp Quốc và giành được một ghế là thành tựu đỉnh cao đối với nhiều quốc gia vì nó mang lại cho họ tiếng nói mạnh mẽ về các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế, từ các cuộc xung đột ở Syria, Yemen và Ukraine đến mối đe dọa hạt nhân đặt ra của Triều Tiên và Iran, và các cuộc tấn công của các nhóm cực đoan như Nhà nước Hồi giáo và al-Qaida.

Năm nay bảy quốc gia đang cạnh tranh cho năm ghế, và trong đó có hai cuộc đua tranh nóng.

Trong nhóm các quốc gia phương Tây, Canada, Ireland và Na Uy đang chạy đua cho hai ghế và ở Châu Phi, Kenya và Djibouti đang cạnh tranh cho một ghế. Ấn Độ đang đua không tranh chấp cho vị trí ghế châu Á - Thái Bình Dương và Mexico đang nhắm đến chiếc ghế châu Mỹ Latin và Caribbean.