Chờ...

Liên minh Nga – Triều thúc đẩy Nhật – Hàn hợp tác hơn với NATO?

VOH - NATO vừa kết thúc cuộc họp thượng đỉnh tại Washington. Lãnh đạo các quốc gia bên ngoài, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand, lại một lần nữa tham dự.

Nhật Bản tham dự cuộc họp thượng đỉnh NATO là điều không mới mẻ, khi họ có nhiều hợp tác chặt chẽ với Mỹ và châu Âu về an ninh quốc phòng. Dưới thời Thủ tướng Fumio Kishida, sự hợp tác ngày càng được củng cố.

c_NATO_2024
Hội nghị thượng đỉnh NATO vừa diễn ra với sự tham dự của Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand - Ảnh: Bloomberg

Mặc dù không phải là thành viên chính thức, viễn cảnh gia nhập cũng rất khó xảy ra, nhưng sự tham gia của Nhật Bản được nhận xét là ngày càng quan trọng với NATO, thậm chí nước này giống một thành viên NATO trên thực tế.

Có những giới hạn trong hợp tác NATO – Nhật Bản. Khối quân sự không có nghĩa vụ bảo vệ Nhật Bản, nếu xung đột với Triều Tiên hoặc Trung Quốc. Tuy vậy, Hoa Kỳ có hiệp định quân sự với Nhật Bản, và nếu Hoa Kỳ tham chiến, khả năng NATO cũng bị kéo theo. Nếu có xung đột, NATO có thể hỗ trợ Nhật Bản bằng nhiều cách khác nhau, cả quân sự lẫn phi quân sự.

Năm 2023, Nhật Bản và NATO đã ký biên bản hợp tác ITPP. Tài liệu này khẳng định, Nhật Bản là đối tác tự nhiên của NATO. Hai bên đồng ý mở rộng hợp tác trên mọi lĩnh vực liên quan tới chiến tranh.

Nhật Bản cũng đàm phán và ký kết các thỏa thuận về đào tạo và xây dựng năng lực quốc phòng với một số quốc gia thành viên NATO. Nhật Bản đã ký với vương quốc Anh đầu năm 2023. Hiện đang đàm phán với Pháp. Nhật Bản và Ý cũng đang trao đổi về khả năng ký kết hợp tác liên quan đến kế hoạch hành động chung về kinh tế - quốc phòng. Ý là đối tác cốt lõi trong chương trình phát triển máy bay thế hệ thứ 6 của Nhật và Anh.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong 1 cuộc họp với Thủ tướng Kishida cuối năm 2023 rằng, an ninh không chỉ trong khái niệm khu vực, mà là toàn cầu.

Mối quan tâm của Nhật Bản đối với an ninh châu Âu, phản ánh quan điểm này. Những yếu tố gần đây, như hợp tác quốc phòng gần gũi giữa Triều Tiên và Nga, đã củng cố thêm cho nhu cầu hợp tác.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken từng nói rằng, đối tác châu Âu xem thách thức ở châu Á liên quan đến họ, cũng như đối tác châu Á xem thách thức ở châu Âu liên quan đến mình.

Hiệp ước phòng thủ mới đây giữa Nga và Triều Tiên, đã khiến phương Tây và đồng minh chú ý. Nhật Bản đang có tranh chấp trên biển với Nga, và luôn trong tình trạng căng thẳng với Triều Tiên.

Hiệp ước Nga - Triều mới ký, được dự đoán sẽ nâng hợp tác 2 nước lên tầm cao mới, giúp Nga tự tin hơn trong việc lập lại trật tự thế giới theo hướng đa cực; nó cũng giúp Triều Tiên quyết đoán hơn, ảnh hưởng tới an ninh Đông Bắc Á.

Trong vài tuần qua, Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa hướng về Nhật Bản. Nếu như Bình Nhưỡng được Nga hỗ trợ công nghệ phóng tên lửa và vệ tinh, sự đe dọa đối với Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ cao hơn.

Đây là lý do liên minh Nga - Triều đã trở thành chủ đề lớn tại hội nghị NATO, bên cạnh sự trợ giúp của Trung Quốc. Hội nghị thượng đỉnh 3 bên Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc bên lề sự kiện, được đánh giá có sự lo lắng trước động thái hợp tác quân sự Nga - Triều.

Hàn Quốc là đồng minh của Hoa Kỳ như Nhật Bản. Seoul đặc biệt lo ngại về hợp tác quân sự Nga-Triều.

Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục bày tỏ quan điểm ủng hộ Ukraine tại hội nghị năm nay, vì trong vấn đề này, an ninh ở châu Âu liên quan chặt chẽ tới tình hình châu Á.

Nhật Bản có kế hoạch tập trận với các thành viên NATO là Đức và Tây Ban Nha, ngay sau cuộc họp thượng đỉnh kết thúc. Tập trận sẽ diễn ra tại Hokkaido, gần vùng biển nước này tranh chấp với Nga. Moscow đã gửi lời phản đối các cuộc tập trận trên.