Chờ...

Liệu Tổng thống Mỹ Joe Biden có đạt được mục tiêu về tiêm vắc-xin Covid-19?

(VOH) - Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đặt ra cho mình một "mục tiêu nhỏ".

Cụ thể, vào ngày 4/5, ông đã công khai tuyên bố rằng 70% người Mỹ trưởng thành sẽ được tiêm ít nhất một liều vắc-xin Covid-19 vào trước Ngày Độc lập 4/7.

Người đứng đầu Nhà Trắng nói rằng Ngày Độc lập sẽ được xem là ngày để người dân Mỹ tổ chức các cuộc tụ họp quy mô nhỏ và đây cũng sẽ được xem là sự khởi đầu cho sự trở lại của cuộc sống bình thường tại Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt mục tiêu 70% người trưởng thành được tiêm ít nhất một liều vắc-xin Covid-19 vào trước Ngày Độc lập 4/7. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt mục tiêu 70% người trưởng thành được tiêm ít nhất một liều vắc-xin Covid-19 vào trước Ngày Độc lập 4/7. (Ảnh: Reuters)

Đến nay đã hơn một tháng trôi qua kể từ khi Tổng thống Biden đưa ra mục tiêu về tiêm vắc-xin và thời hạn cuối cùng để thực hiện mục tiêu này đang ngày càng đến gần.

Ông Biden còn cách mục tiêu của mình bao xa?

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), tính đến ngày 16/6, có khoảng 65% người Mỹ trưởng thành đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin Covid-19.

Theo ước tính của đài CNBC (Mỹ), để đạt mục tiêu 70% người Mỹ trưởng thành được tiêm vắc-xin, khoảng 13,6 triệu người sẽ phải tiêm mũi đầu tiên trong vòng 18 ngày từ 17/6 - 4/7, có nghĩa là trung bình mỗi ngày có khoảng 756.000 người được tiêm vắc-xin.

Tuy nhiên, số liệu cho thấy trung bình mỗi ngày chỉ có 336.000 người tại Mỹ được tiêm vắc-xin trong tuần lễ vừa qua.

Ông Jeff Zients, Điều phối viên Covid-19 của Nhà Trắng ngày 17/6 nói với các phóng viên rằng tỷ lệ người Mỹ trưởng thành được tiêm vắc-xin sẽ vượt mốc 70% vào mùa hè này nhưng ông không nói rõ liệu Mỹ có đạt được mục tiêu nêu trên vào ngày 4/7 hay không.

CNBC dự đoán rằng mục tiêu của Tổng thống Biden có thể sẽ không thể đạt được nếu không đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng từ nay đến ngày 4/7.

Trước đó, Nhà Trắng đã nỗ lực gấp đôi để tăng tỷ lệ tiêm chủng.

Ngoài việc huy động các tổ chức, cộng đồng, người nổi tiếng, vận động viên và các đoàn thể có sức ảnh hưởng trên toàn quốc tham gia vào hoạt động tiêm chủng và yêu cầu các nhà thuốc kéo dài thời gian hoạt động trong tháng 6, Nhà Trắng còn hợp tác với các nhà cung cấp phần mềm ứng dụng đặt gọi xe để cung cấp dịch vụ đưa đón miễn phí đến các điểm tiêm chủng.

Bên cạnh đó, các bang tại Mỹ cũng đưa ra những chương trình tặng thưởng mang tính khích lệ nhằm khuyến khích người dân tiêm vắc-xin.

Giữa các bang có sự chênh lệch khá rõ về tỷ lệ tiêm vắc-xin

Hiện vẫn còn 5% mới có thể đạt mục tiêu 70% người trưởng thành trên cả nước được tiêm ít nhất một liều vắc-xin, đã có 14 tiểu bang và Washington D.C đạt mục tiêu mang tính giai đoạn này, trong đó có bang New York.

Chính vì thế, Thống đốc bang này là ông Andrew Cuomo hôm 15/6 tuyên bố New York sẽ dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế đã được áp dụng trước đó do Covid-19.

Theo số liệu được CDC công bố hồi tuần trước, 8 trong số 10 tiểu bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất cả nước đều thuộc các bang miền Nam, trong đó 3 bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất là Alabama, Louisiana và Mississippi.

Tại Mississippi, tiến độ tiêm chủng ở đây diễn ra khá chậm, đến nay chỉ có khoảng 45% dân số tại bang này được tiêm ít nhất một liều vắc-xin.

Ông Tate Reeves, Thống đốc thuộc phe Cộng hòa tại bang Mississippi, cho rằng mục tiêu mà ông Biden đưa ra là tùy tiện, vô căn cứ.

Theo Tân Hoa Xã đưa tin, trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây của đài CNN, ông Reeves nói rằng yếu tố quan trọng hơn ảnh hưởng đến việc thúc đẩy tiêm chủng là sự sụt giảm số ca nhiễm mới trong thời gian gần đây, bởi khi tình hình dịch bệnh có chuyển biến tích cực, mức độ sẵn sàng tiêm chủng của người dân sẽ giảm đi.

Theo số liệu mới nhất từ Đại học Johns Hopkins, trong hai tuần qua, các tiểu bang như Alabama, Arkansas, Hawaii, Missouri, Nevada, Texas, Utah và Wyoming đã ghi nhận sự gia tăng liên tục về số ca nhiễm mới.

Trong 8 tiểu bang này, ngoại trừ Hawaii, 7 bang còn lại đều là những bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất cả nước.

 Ông Scott Gottlieb, cựu Giám đốc Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết biến thể Delta của virus corona chủng mới được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ (B.1.617.2) chỉ chiếm khoảng 10% trong số các ca nhiễm Covid-19 hiện nay tại Mỹ, nhưng con số này tăng gấp đôi sau mỗi hai tuần.

Ông Gottlieb nói biến thể Delta đã khiến số ca nhiễm ở Mỹ không ngừng gia tăng, và biến thể này có thể sẽ lây lan nhanh chóng sau mùa thu năm nay ở những người chưa tiêm vắc-xin.

WHO cảnh báo về biến thể Delta

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến thể Delta đã xuất hiện tại 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Bà Soumya Swaminathan, nhà khoa học hàng đầu của WHO ngày 18/6 cho hay, biến thể Delta đang dần thống trị thế giới vì khả năng lây lan tăng. 

Cùng ngày, Tổng thống Biden cũng cảnh báo rằng biến thể Delta "dễ lây lan hơn, có thể gây tử vong cao hơn và đặc biệt nguy hiểm với những người trẻ tuổi". Ông tiếp tục kêu gọi người dân nên tiêm vắc-xin càng sớm càng tốt.

Theo nghiên cứu của tạp chí y khoa Lancet, các loại vắc-xin Covid-19 hiện nay vẫn có hiệu quả trong việc chống lại biến thể Delta.

Nghiên cứu cho biết vắc-xin của hãng Pfizer cung cấp khả năng bảo vệ "rất tốt" trước biến thể Delta, và vắc-xin của hãng AstraZeneca có hiệu quả "đáng kể" đối với biến thể này.