Khoảng 26 triệu học sinh sẽ nghỉ học từ ngày 25/5 tại Punjab, tỉnh đông dân nhất Pakistan. Tỉnh này đã ra lệnh đóng cửa các trường học trong kỳ nghỉ hè sớm một tuần vì nhiệt độ tăng cao.
Văn phòng khí tượng Pakistan dự báo về 3 đợt nắng nóng - một đợt đang diễn ra và hai đợt nữa sẽ xảy ra vào đầu và cuối tháng 6.
Cơ quan quản lý thảm họa cho biết, nhiệt độ ở Punjab hiện cao hơn bình thường từ 6 - 8 độ C, trong đó thủ phủ Lahore của tỉnh có thể lên tới 46 độ C vào cuối tuần.
Điều phối viên của chính phủ về biến đổi khí hậu và môi trường nói với các nhà báo ở Islamabad hôm 23/5 rằng, "sự nóng lên toàn cầu đang gây ra sự thay đổi đột ngột trong các kiểu thời tiết".
Nhiều khu vực ở Pakistan đang phải đối mặt với tình trạng mất điện tới 15 giờ mỗi ngày do nhu cầu về quạt và điều hòa không khí tăng cao, khiến học sinh phải ngồi học trong thời tiết oi bức.
Tổ chức phi chính phủ Save the Children cho biết, 26 triệu học sinh Punjabi bị hủy lớp, chiếm 52% học sinh mầm non, tiểu học và trung học ở Pakistan.
Giám đốc quốc gia Muhammad Khuram Gondal cho biết: “Việc tiếp xúc kéo dài với nhiệt độ cao ảnh hưởng đến khả năng học tập và tập trung của trẻ em và điều này khiến việc học tập của các em gặp nguy hiểm. Nhiệt độ quá cao cũng có khả năng gây tử vong cho trẻ em".
Cơ quan trẻ em Liên hợp quốc UNICEF cho biết, hơn 3/4 trẻ em ở Nam Á - tương đương 460 triệu trẻ em - phải tiếp xúc với nhiệt độ trên 35 độ C trong ít nhất 83 ngày mỗi năm.
Cơ quan này cảnh báo, trẻ em có nguy cơ bị "mất nước, nhiệt độ cơ thể tăng cao, nhịp tim nhanh, chuột rút... và hôn mê".
Pakistan chịu trách nhiệm về ít hơn 1% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.
Tuy nhiên, quốc gia 240 triệu dân này được xếp hạng cao trong số các quốc gia dễ bị tổn thương trước các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Một phần ba diện tích Pakistan bị nhấn chìm bởi những trận mưa gió mùa chưa từng có vào năm 2022 khiến hàng triệu người phải di dời.
Nước này cũng bị tàn phá bởi lượng mưa trên mức bình thường vào tháng trước khiến ít nhất 144 người thiệt mạng trong tháng 4 ẩm ướt nhất được ghi nhận kể từ năm 1961.
Học sinh của Lahore cũng phải cắt giảm ngày học vào mùa đông khi các trường học đóng cửa do bị bao phủ bởi sương mù ngột ngạt.