Mức lương trung bình ở Úc tăng nhẹ trong quý I, dẫn đầu bởi khu vực công

ÚC - Mức lương tại Úc tăng trong quý I nhờ các đợt điều chỉnh lương của chính phủ tại khu vực công, trong khi khu vực tư nhân tăng chậm lại, cho thấy thị trường lao động vẫn còn căng thẳng.

Các nhà đầu tư vẫn tin rằng Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) sẽ hạ lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm xuống còn 3,85% trong cuộc họp ngày 20/05 tới, trong bối cảnh lạm phát trong nước có dấu hiệu hạ nhiệt và kinh tế toàn cầu đang chịu tác động bởi chính sách thuế quan của Mỹ.

Số liệu từ Cục Thống kê Úc (ABS) cho thấy, mức lương đã tăng 0,9% trong quý I, cao hơn so với dự báo 0,8%, chủ yếu nhờ các khoản tăng lương đột xuất trong khu vực công dành cho người lao động trong lĩnh vực chăm sóc trẻ em và người cao tuổi.

Sydney

Quang cảnh Nhà hát Opera Sydney và đường chân trời của Khu thương mại trung tâm (CBD) tại Sydney, Úc. - Ảnh: Reuters.

Ông Sean Langcake, Trưởng bộ phận dự báo kinh tế vĩ mô tại Oxford Economics Australia, cho rằng, phần lớn mức tăng lương trong quý I xuất phát từ các điều chỉnh chính sách và chỉ mang tính tạm thời.

Theo ông Langcake, thị trường lao động vẫn đang trong tình thế khó khăn, nhưng dữ liệu này cho thấy mức tăng lương nhìn chung vẫn được kiểm soát.

Mức tăng trưởng tiền lương hằng năm tại Úc đã tăng lên 3,4%, từ mức thấp nhất trong hai năm là 3,2% của quý trước, chủ yếu nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực công lên 3,6%.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng tiền lương trong khu vực tư nhân vẫn giữ nguyên ở mức 3,3%, thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh 4,2% được ghi nhận trong năm 2024.

Lĩnh vực y tế và giáo dục chứng kiến mức tăng lương cao nhất trong quý vừa qua, phần lớn nhờ các quyết định điều chỉnh lương của chính quyền bang. Ngược lại, một số ngành như bán lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống, truyền thông và viễn thông ghi nhận mức tăng lương hàng quý chỉ 0,1%.

Dữ liệu việc làm trong tháng 4, dự kiến được công bố vào ngày 15/05, được kỳ vọng sẽ cho thấy mức tăng việc làm ổn định với khoảng 20.000 vị trí mới, duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4,1%, tương đương mức trung bình trong suốt năm qua.

RBA lo ngại rằng, một số chỉ số khác về chi phí lao động chung đang có xu hướng tăng cao, trong khi năng suất lao động lại yếu hơn kỳ vọng, một sự kết hợp có thể gây cản trở tiến trình kiềm chế lạm phát.

Tỷ lệ lạm phát tiêu dùng tổng thể trong quý I giữ ổn định ở mức 2,4%, trong khi tỷ lệ lạm phát lõi, thước đo lạm phát cơ bản quan trọng của RBA, đã giảm xuống còn 2,9%, đưa tỷ lệ lạm phát lần đầu tiên quay trở lại trong phạm vi mục tiêu 2%-3% kể từ cuối năm 2021.

Bình luận