Ngày 5/6, chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp đặt lệnh trừng phạt đối với 4 thẩm phán của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), nhằm đáp trả việc tòa này ra lệnh bắt Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và trước đó từng mở cuộc điều tra về tội ác chiến tranh của binh sĩ Mỹ tại Afghanistan.
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Marco Rubio cho biết 4 thẩm phán bị trừng phạt gồm: Solomy Balungi Bossa (người Uganda), Luz del Carmen Ibanez Carranza (người Peru), Reine Adelaide Sophie Alapini Gansou (người Benin) và Beti Hohler (người Slovenia). Ông cáo buộc những người này đã tham gia vào các “hành động phi pháp và có động cơ chính trị” nhằm vào Mỹ và đồng minh Israel.
“ICC là một cơ quan mang tính chính trị và tự cho mình quyền truy tố công dân Mỹ cũng như các nước đồng minh. Những hành vi đó là không thể chấp nhận,” trích tuyên bố của ông Rubio.
Phía ICC đã phản đối gay gắt động thái của Mỹ, gọi đây là hành động nhằm “phá hoại tính độc lập của một cơ quan tư pháp quốc tế vốn đem lại công lý cho hàng triệu nạn nhân của những tội ác không thể tưởng tượng nổi”, theo Reuters đưa tin.
Lệnh trừng phạt khiến các thẩm phán khó thực hiện các giao dịch tài chính cơ bản, do mọi ngân hàng có liên kết với Mỹ hoặc giao dịch bằng USD đều phải tuân thủ. Bộ Tài chính Mỹ đã cấp phép chung cho phép hoàn tất các giao dịch tồn đọng đến ngày 8/7, với điều kiện tiền phải chuyển vào tài khoản phong tỏa tại Mỹ.
Lệnh trừng phạt được ban hành trong bối cảnh ICC đang gặp khó khăn, khi trưởng công tố Karim Khan - người đang điều tra các tội ác chiến tranh ở Gaza và Ukraine - đã phải tạm rút khỏi vị trí do vướng cáo buộc quấy rối tình dục và đang được Liên Hợp Quốc điều tra.

ICC được thành lập năm 2002, có thẩm quyền xét xử tội diệt chủng, tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh tại các quốc gia thành viên hoặc theo yêu cầu từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, Mỹ, Israel, Nga và Trung Quốc đều không phải là thành viên của ICC và phản đối quyền tài phán của tòa.
Trong số các thẩm phán bị áp lệnh trừng phạt, Bossa và Ibanez Carranza từng bỏ phiếu năm 2020 cho phép công tố viên ICC điều tra cáo buộc tội ác chiến tranh của quân đội Mỹ ở Afghanistan.
Trong khi đó, thẩm phán Alapini Gansou và Hohler là những người đã phê chuẩn lệnh bắt Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant vào cuối năm ngoái, liên quan đến cuộc chiến tại Gaza.
Tháng 1 năm nay, Hạ viện Mỹ đã thông qua nghị quyết kêu gọi trừng phạt ICC sau khi tòa này phát lệnh bắt ông Netanyahu.
Trước đó vào năm 2020 trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump, Mỹ cũng từng áp đặt trừng phạt ICC, và trưởng công tố lúc bấy giờ là Fatou Bensouda.