Lệnh trừng phạt lần này tập trung vào các công ty dầu khí lớn, quan chức chính phủ cấp cao của Nga cùng nhiều tổ chức liên quan. Đây à gói trừng phạt mạnh nhất từ trước đến nay của Mỹ nhằm gia tăng áp lực kinh tế lên Nga và hỗ trợ cho Ukraine.
Hai công ty dầu khí lớn của Nga, Gazprom Neft và Surgutneftegaz, cùng hàng chục công ty con, bao gồm các công ty bảo hiểm và vận tải, đã bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt.
Gazprom Neft, thuộc tập đoàn năng lượng Gazprom, đóng vai trò quan trọng trong phát triển mỏ dầu khí và khai thác dầu tại thềm lục địa Bắc Cực. Còn Surgutneftegaz, một trong những công ty năng lượng lớn nhất của Nga, nằm trong danh sách 100 doanh nghiệp có thu nhập cao nhất nước này.
Ngoài ra, hơn 30 nhà cung cấp dịch vụ mỏ dầu và 183 tàu chở dầu, bao gồm nhiều tàu thuộc “hạm đội bóng đêm” được điều hành bởi các doanh nghiệp phi phương Tây, cũng bị trừng phạt.
Bộ Tài chính Mỹ còn hủy bỏ điều khoản miễn trừ trừng phạt các ngân hàng Nga làm trung gian thanh toán mua bán năng lượng. Các biện pháp mới cho phép thời gian tạm dừng đến ngày 12/3 để các đơn vị bị xử phạt hoàn tất các giao dịch năng lượng dang dở.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khẳng định các biện pháp này nhằm vào "nguồn thu chính của Nga", làm gián đoạn toàn bộ chuỗi sản xuất và phân phối năng lượng của nước này.
Một quan chức Mỹ cho biết các biện pháp này nếu được thực thi đầy đủ có thể khiến Nga thiệt hại hàng tỷ USD mỗi tháng. Các nguồn tin thương mại cũng nhận định chúng còn có thể gây gián đoạn xuất khẩu dầu của Nga sang các khách hàng lớn như Ấn Độ và Trung Quốc.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố các biện pháp trừng phạt của phương Tây là vô ích, khẳng định Nga đã thành công chống lại sức ép. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova chỉ trích di sản của Tổng thống Mỹ Joe Biden để lại trước khi rời nhiệm sở chỉ là "mớ hỗn độn".
Về phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky hoan nghênh động thái của Mỹ, cho rằng nó giáng một đòn mạnh vào nền tảng tài chính của Nga.
Nhiều đồng minh của Mỹ, bao gồm Guyana, Canada và Brazil, dự kiến bổ sung nguồn cung dầu lớn vào thị trường trong năm nay, nhằm bù đắp phần thiếu hụt từ Nga và ổn định thị trường năng lượng toàn cầu.
Gói trừng phạt được đưa ra ngay trước khi Tổng thống Joe Biden kết thúc nhiệm kỳ, được xem là nỗ lực cuối cùng nhằm tạo lợi thế cho Ukraine trong các cuộc đàm phán tiềm năng với Nga.
Với quy mô và phạm vi lớn, các biện pháp này tiếp tục thể hiện chiến lược gia tăng sức ép lên Nga của Mỹ, đồng thời củng cố liên minh phương Tây trong việc đối phó với khủng hoảng kéo dài.