Tính đến sáng 11/1 (giờ Việt Nam), các vụ cháy rừng đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, thiêu rụi hơn 13.000 nhà ở và công trình. Số người thương vong và thiệt hại dự kiến còn tăng cao trong những ngày tới. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố đây là "thảm họa lớn", đồng thời cam kết chính phủ sẽ tài trợ toàn bộ chi phí khắc phục hậu quả cháy rừng trong sáu tháng tới, bao gồm hỗ trợ tái thiết và cung cấp nguồn lực cần thiết để kiểm soát thảm họa.
Theo HHS, tình trạng khẩn cấp này cho phép các nhà cung cấp dịch vụ y tế thuộc Trung tâm Dịch vụ Medicare và Medicaid (CMS) linh hoạt hơn trong việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc khẩn cấp của nạn nhân. Ngoài ra, Cơ quan Quản lý về Chuẩn bị và Ứng phó Chiến lược (ASPR) đã chuẩn bị triển khai lực lượng hỗ trợ cùng thiết bị và vật tư y tế cần thiết để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng.
Bộ trưởng HHS Xavier Becerra cho biết: “Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế tiểu bang California và các đối tác liên bang để cung cấp mọi hỗ trợ y tế cần thiết, nhằm giảm thiểu tác động sức khỏe từ các vụ cháy rừng thảm khốc.”
Theo các chuyên gia, khói từ cháy rừng chứa hỗn hợp các chất độc hại, trong đó có các hạt siêu nhỏ (PM2.5) có khả năng xâm nhập vào phổi và máu, gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể. Cục Bảo vệ Môi sinh Mỹ (EPA) cảnh báo rằng việc tiếp xúc với khói trong thời gian ngắn có thể dẫn đến các triệu chứng như ngứa họng, sổ mũi, viêm phế quản, và nghiêm trọng hơn là các bệnh lý về hô hấp, tim mạch, đặc biệt đối với trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, và những người mắc bệnh mãn tính.
Phụ nữ mang thai đối mặt với nguy cơ sinh non hoặc trẻ sơ sinh nhẹ cân. Ngoài ra, các chuyên gia còn lo ngại về tác động lâu dài của cháy rừng đối với sức khỏe tinh thần. Nhiều nạn nhân và lực lượng cứu hỏa có thể phát triển chứng rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD) và trầm cảm do trải qua các sự kiện kinh hoàng.