Mỹ cấm các hãng công nghệ xây dựng nhà máy trình độ cao ở Trung Quốc

(VOH) - Theo chính quyền Tổng thống Biden, các công ty công nghệ Mỹ nhận đầu tư từ chính phủ liên bang sẽ bị cấm xây dựng các cơ sở “công nghệ tiên tiến” ở Trung Quốc trong thời gian 10 năm.

Yêu cầu trên được công bố như một phần của kế hoạch trị giá 50 tỷ USD thuộc Đạo luật Khoa học và CHIPS (gọi chung là CHIPS) của Mỹ nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước; giảm tối đa sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Các quy định của kế hoạch nêu rõ các công ty nhận tài trợ sẽ bị hạn chế thực hiện các “giao dịch lớn” liên quan đến mở rộng quy mô sản xuất chip ở Trung Quốc trong vòng 10 năm.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết: “Chúng tôi cũng sẽ thực hiện các biện pháp bảo vệ để đảm bảo những người nhận được tài trợ từ quỹ Chips không thể xâm phạm đến an ninh quốc gia. Họ không được phép sử dụng số tiền này để đầu tư vào Trung Quốc. Họ không được phát triển các công nghệ tiên tiến hàng đầu ở Trung Quốc. Họ không được gửi công nghệ mới nhất ra nước ngoài.”

Bà cũng cho biết thêm: “Các quỹ hỗ trợ này nhằm giúp các công ty tối đa hóa quy mô dự án của họ. Chúng tôi sẽ thúc đẩy các công ty phát triển lớn mạnh hơn và táo bạo hơn.”

Mỹ cấm các hãng công nghệ xây dựng nhà máy trình độ cao ở Trung Quốc
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo. Ảnh: Getty Images

Hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc cho đến nay vẫn tồn tại nhiều căng thẳng xung quanh các vấn đề về thương mại và công nghệ.

Tháng 8 vừa qua, Tổng tống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật CHIPS với gói ngân sách 280 tỷ USD cam kết hỗ trợ các cơ sở công nghệ cao và nghiên cứu khoa học, trong bối cảnh lo ngại vị thế hàng đầu của Mỹ về công nghệ toàn cầu đang bị Trung Quốc làm lung lay. Các khoản đầu tư bao gồm miễn giảm thuế cho các công ty thuộc ngành công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip ở Mỹ.

Mỹ hiện giữ vai trò sản xuất khoảng 10% nguồn cung chất bán dẫn toàn cầu. chất bán dẫn là chiến trường quan trọng giữa Washington và Bắc Kinh. Chúng đóng vai trò là bộ não của các thiết bị điện tử, từ điện thoại thông minh, máy tính xách tay đến trung tâm dữ liệu, và chúng cũng đóng vai trò quan trọng trong các hệ thống vũ khí tinh vi, chẳng hạn như tên lửa chống tăng Javelin mà Mỹ đang cung cấp cho Ukraine. Mặc dù vậy, nguồn cung này đang bị thiếu hụt nghiêm trọng, sụt giảm đến 40% so với năm 1990.

Mỹ cấm các hãng công nghệ xây dựng nhà máy trình độ cao ở Trung Quốc
Mỹ - Trung đang chạy đua vị trí dẫn đầu về lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là ngành công nghiệp bán dẫn. Ảnh: CNBC

Về phía Trung Quốc, nước này đã lên tiếng phản đối Đạo luật CHIPS của Mỹ, cho rằng đây là động thái làm gợi lại tâm lý Chiến tranh Lạnh.

Ngoài ra, hai hiệp hội thương mại Trung Quốc cũng lên án Đạo luật CHIPS, cho rằng đạo luật này - nhằm thúc đẩy sản xuất chip trong nội địa Mỹ - sẽ làm tổn hại đến ngành công nghiệp ở những nơi khác trên thế giới.

Theo các Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc và Phòng Thương mại Quốc tế Trung Quốc, đạo luật này sẽ “tăng cường cạnh tranh địa chính trị trong ngành công nghiệp bán dẫn và cản trở sự phục hồi kinh tế toàn cầu và sự phát triển của đổi mới công nghệ”.

Thực tế, dù Đạo luật CHIPS mới của Mỹ có thể mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp bán dẫn và công nghệ cao trong nước, nhưng cũng mang lại nhiều hạn chế đối với doanh nghiệp. Một số nhà sản xuất chip hàng đầu đã gặp trở ngại vì các hạn chế của Washington đối với thị trường Trung Quốc. Hồi đầu tháng này, cơ quan chức năng Mỹ đã yêu cầu Nvidia và AMD ngừng giao dịch các sản phẩm chip trí tuệ nhân tạo (AI) với Trung Quốc.

Bình luận