Chờ...

Mỹ duyệt thương vụ vũ khí trị giá 385 triệu USD cho Đài Loan (Trung Quốc)

VOH - Ngày 29/11, Lầu Năm Góc xác nhận Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt bán gói vũ khí tổng trị giá khoảng 385 triệu USD cho Đài Loan (Trung Quốc).

Cơ quan Hợp tác quốc phòng an ninh (DSCA) của Lầu Năm Góc cho biết thương vụ được phê duyệt gồm hai phần. Một phần là gói phụ tùng cho chiến đấu cơ F-16, các radar điện tử và trang thiết bị liên quan trị giá 320 triệu USD. Phần còn lại là gói thiết bị liên lạc di động nâng cấp và hỗ trợ trị giá ước tính 65 triệu USD, do General Dynamics làm nhà thầu chính.

Lực lượng Phòng vệ Đài Loan kỳ vọng các hợp đồng sẽ có hiệu lực trong vòng một tháng và các trang thiết bị trên sẽ giúp duy trì sự sẵn sàng cho phi đội F-16, xây dựng một lực lượng phòng thủ đáng tin cậy.

“Đài Loan và Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường mối quan hệ đối tác an ninh và làm việc cùng nhau để duy trì hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", trích tuyên bố của Lực lượng Phòng vệ Đài Loan.

unnamed_file_from_apnews.com.jpg
Các binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Đài Loan trong một cuộc tập trận tại Sân bay Quốc tế Đào Viên, ngày 26/7/2023 - Ảnh: AP

Tính đến nay, dù không có quan hệ ngoại giao chính thức nhưng Mỹ luôn là quốc gia bảo trợ quan trọng nhất của Đài Loan và thường xuyên cung cấp vũ khí cho hòn đảo này.

Tháng trước, Mỹ công bố gói hợp đồng bán vũ khí trị giá 2 tỷ USD cho Đài Loan, trong đó lần đầu tiên xuất hiện hệ thống phòng không tiên tiến từng được triển khai tại chiến trường Ukraine.

Trung Quốc nhiều lần tỏ rõ sự phản đối và yêu cầu phía Mỹ dừng ngay các thương vụ vũ khí với Đài Loan - vùng lãnh thổ mà Trung Quốc khẳng định là phần lãnh thổ không thể tách rời và sẽ sáp nhập trở lại bằng mọi giá, kể cả phải sử dụng vũ lực; đồng thời kêu gọi Mỹ hãy “cực kỳ thận trọng” trong quan hệ với Đài Loan.

Về phía Đài Loan, lãnh đạo Lại Thanh Đức trong ngày 30/11 đã rời hòn đảo để đi thăm một số quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc Thái Bình Dương, trong đó có Hawaii, đảo Guam (Mỹ), và các nước gồm Cộng hòa Quần đảo Marshall, Tuvalu và Palau.