Hiện tại, các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra để xác định nguyên nhân, trong bối cảnh công tác kiểm soát và cứu hộ vẫn tiếp tục. Dưới đây là những giả thuyết ban đầu về nguyên nhân gây ra thảm họa cháy rừng nghiêm trọng ở Los Angeles:
Đốt pháo hoa giao thừa
Theo báo cáo của The Washington Post, vụ cháy lớn tại Pacific Palisades, đám cháy lớn nhất trong chuỗi sự kiện này, được cho là bắt nguồn từ pháo hoa mừng năm mới.
Dữ liệu vệ tinh cho thấy dấu vết của ngọn lửa mới trùng khớp với vụ cháy nhỏ đã xảy ra ngay sau giao thừa. Chuyên gia Michael Gollner từ Đại học California nhận định rằng tàn dư của đám cháy giao thừa có thể đã âm ỉ trong một tuần trước khi bùng phát trở lại.
Chập cháy đường dây điện
Một số đám cháy lớn, bao gồm Eaton và Hurst, hiện đang được điều tra về khả năng liên quan đến chập cháy đường dây tải điện. Công ty điện lực Southern California Edison (SCE), đơn vị cung cấp điện chính cho hạt Los Angeles, đã trở thành tâm điểm của các vụ kiện liên quan đến nghi vấn này.
Ngày 13/1, ông Jeremy Gursey, cư dân khu vực Altadena, người mất nhà trong vụ cháy Eaton, đã gửi đơn kiện lên Tòa án Cấp cao hạt Los Angeles. Gursey cáo buộc SCE chịu trách nhiệm cho vụ cháy, dựa trên bằng chứng là các bức ảnh chụp bởi hai người dân, Jennifer và Marcus Errico, vào khoảng 18h15 ngày 7/1, cho thấy ngọn lửa nhỏ bùng lên bên dưới đường dây điện chạy qua hẻm núi Eaton Canyon.
Cùng ngày, công ty luật Parkinson Benson Potter ở San Francisco cũng đại diện cho hơn 200 nạn nhân của vụ cháy, đệ đơn kiện lên tòa án, cho rằng tia lửa từ đường dây điện của SCE đã làm bùng cháy thảm thực vật tại sườn đông hẻm núi Eaton Canyon, gây ra thảm họa cháy rừng nghiêm trọng.
SCE bị cáo buộc đã lơ là trách nhiệm khi không tạm ngừng truyền tải điện, dù đã có cảnh báo nguy cơ cháy rừng vào ngày 7/1.
Tuy nhiên, SCE liên tục bác bỏ các cáo buộc. Trong thông cáo phát đi ngày 12/1, công ty khẳng định rằng quá trình kiểm tra mạch điện và đường dây tải điện tại khu vực Eaton Canyon không cho thấy bằng chứng nào về việc thiết bị của họ gây ra vụ cháy.
Hành vi cố ý phóng hỏa
Vụ cháy Kenneth tại Thung lũng San Fernando đã được xác nhận là do con người cố ý gây ra.
Cảnh sát đã bắt giữ Juan Sierra, 33 tuổi, ngay sau khi vụ cháy bùng phát vào ngày 9/1. Đây là lời nhắc nhở về nguy cơ từ các hành vi phá hoại, đặc biệt trong bối cảnh thời tiết và môi trường dễ gây cháy.
Cuộc điều tra về nguyên nhân các đám cháy tại Los Angeles dự kiến sẽ kéo dài nhiều tháng, với hàng loạt giả thuyết và dữ liệu cần được phân tích.
Trong khi đó, các lực lượng cứu hộ tiếp tục làm việc không ngừng để ngăn lửa lan sang các khu vực khác, đồng thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.
Bên cạnh những tổn thất về người và tài sản, khói từ các đám cháy rừng đã trở thành một nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng. Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng tại bang California, cảnh báo về các hệ lụy dài hạn như lo âu, trầm cảm, và tăng nguy cơ mắc bệnh hô hấp hoặc tim mạch.
Theo các chuyên gia, khói cháy rừng đang nổi lên như một nguồn ô nhiễm lớn, gây ra tới 675.000 ca tử vong sớm mỗi năm trên toàn thế giới.
Biến đổi khí hậu được cho là yếu tố gia tăng tần suất và cường độ các vụ cháy rừng, đặt ra thách thức lớn đối với công tác phòng ngừa và ứng phó trong tương lai.